Các địa phương quyết liệt đối phó với bão số 5

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác PCLB tại Hải Phòng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, ở Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió mạnh 13 m/s (cấp 6), giật 21 m/s (cấp 9); tại Cô Tô có gió mạnh 26 m/s (cấp 10), giật 30 m/s (cấp 11); Phủ Liễn (Hải Phòng) có gió mạnh 12 m/s (cấp 6); giật 17 m/s (cấp 7); Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 25 m/s (cấp 10), giật 29 m/s (cấp 11); Thái Bình có gió mạnh 11 m/s (cấp 6); giật 18 m/s (cấp 8).

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc bộ ngày 30/9 có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Đêm gió bắc đến đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Cây gẫy đổ tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Vũ Văn Đức - TTXVN


Bộ Tham mưu - Bộ đội Biên phòng cho biết, đến 6 giờ ngày 30/9 đã thông báo kêu gọi tới 39.917 tàu, thuyền với 179.679 lao động và 3.006 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản với 5.694 người. Trong đó, số tàu hoạt động, neo đậu tại vịnh Bắc Bộ là 28.866 tàu, thuyền với 111.557 người; hoạt động ven bờ, vùng biển khác và neo đậu tại các bến là 11.051 tàu, thuyền với 68.122 lao động.

* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chuyến kiểm tra việc phòng, chống cơn bão số 5 tại thành phố Hải Phòng vào sáng 30/9.

Phó Thủ tướng trực tiếp kiểm tra tuyến đê biển 1 và 2 tại Đồ Sơn, Kiến Thụy. Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 5 của thành phố Hải Phòng, đặc biệt là công tác kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương không được chủ quan với thiên tai, triển khai hiệu quả hơn phương án “bốn tại chỗ”. Đối với các khu vực xung yếu, phải rà soát, huy động mọi nguồn lực thường trực ứng phó, xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra; sơ tán dân ở những vùng nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão về nơi trú bão an toàn.

Bão số 5 đổ bộ Hải Phòng nhanh hơn so với dự kiến. Huyện đảo Bạch Long Vỹ và Cát Hải đã có gió giật cấp 9 kèm mưa to. Đến 10 giờ, thành phố Hải Phòng đã cơ bản hoàn tất công tác ứng phó bão số 5.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã cho học sinh nghỉ học ngày 30/9 để tránh bão. Khoảng 12.900 người dân vùng xung yếu; gần 4.100 phương tiện và 13.745 lao động; 543 lồng bè đã vào nơi trú bão. Huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn, tất cả các tàu du lịch đã dừng chở khách, về neo đậu tại bến.

Khắc phục điểm sạt lở trên QL 18 khu vực Mông Dương - Cửa Ông (Quảng Ninh).


Tính đến 16 giờ ngày 30/9, thành phố chưa có thống kê chi tiết về thiệt hại dân sinh kinh tế. Hệ thống đê điều vẫn đảm bảo an toàn. Trong âu cảng Bạch Long Vỹ đã có 1 pông tông đỗ trong âu bị đắm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng cho biết: Hai tàu bị nạn trong bão số 5 (tàu Hoàng Anh 268/06TV/499 tấn và tàu HP 90489TS) đã được lai dắt an toàn về nơi tránh trú bão.

Quảng Ninh: Gần 300 căn nhà tốc mái; 33 bè nuôi bị vỡ

Chỉ đổ bộ vào đất liền chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, theo thống kê sơ bộ, bão số 5 đã gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Ninh gần 50 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 293 căn nhà tốc mái, 11 tàu thuyền và sà lan bị lật chìm, 33 bè nuôi bị vỡ làm mất trắng cả trăm tấn cá và thủy sản các loại, 1.669 ha hoa màu bị ngập úng, toàn tỉnh phải di dời 85 hộ dân. Đến nay, chưa có thông tin nào về thiệt hại người.

San lấp điểm sạt lở tại tổ 42, khu 4b, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Duy Mạnh - TTXVN


Bão số 5 bắt đầu đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh từ lúc 11 giờ trưa 30/9 với cường độ gió cấp 10, cấp 11. Vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ở hai huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô và thị xã Cẩm Phả. Do cống thoát nước trên quốc lộ 18, đoạn Cửa Ông - Mông Dương nhỏ, thoát nước không kịp khiến một đơn vị quân đội và hơn 20 hộ dân của tổ 1, khu 1, phường Cửa Ông (thị xã Cẩm Phả) bị nước ngập. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngành giao thông và đơn vị thi công tuyến đường nhanh chóng lắp đặt đường ống cống lớn, đưa nước thoát khỏi nhà dân.

Thái Bình: Cho học sinh nghỉ học từ 30/9 đến khi bão tan

Đến 5 giờ ngày 30/9, toàn tỉnh Thái Bình đã di dời được 3.268 hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản ở ven biển vào trong đê tránh trú bão, trong đó, tập trung chủ yếu là ở huyện Tiền Hải với 3.164 hộ dân. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Thái Bình cũng đã gửi thông báo đến tất cả các trường học chủ động cho học sinh nghỉ học từ ngày 30/9 cho đến khi bão tan.

Sáng 30/9, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đi kiểm tra công tác đối phó với cơn bão số 5 tại huyện Tiền Hải. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Tiền Hải tiếp tục kiểm tra, rà soát chặt chẽ, thực hiện các phương án bảo vệ dân sinh sống ngoài bãi sông, ven biển và khu vực nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển trước khi bão đổ bộ vào bờ.

Tuyên Quang: Di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

UBND tỉnh Tuyên Quang đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện phòng chống lụt bão theo phương châm “bốn tại chỗ” đề phòng mưa lũ gây chia cắt. Đồng thời, tổ chức kiểm tra và di dời khẩn cấp những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, lũ quét đến nơi an toàn; chuẩn bị phương tiện sẵn sàng để kịp thời giải tỏa các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông.

Thanh Hóa: Đưa 39 lao động trên tàu Đức Minh 18 vào bờ an toàn

Sáng 30/9, Hải đội Biên phòng II (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa) đã đưa 12 thuyền viên và 27 công nhân lao động trên tàu Đức Minh 18 vào bờ an toàn. Tuy nhiên con tàu phải bỏ lại ngoài khơi do không thể kéo ra khỏi cồn cát lầy ở cảng Lạch Hới (xã Quảng Tiến, thị xã Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).

Lũ gây thiệt hại nặng tại An Giang
Theo Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh An Giang, lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng tại các huyện đầu nguồn lũ An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Thành, Long Xuyên. Lũ đã làm 4 người chết, trong đó có 2 trẻ em. Lũ còn gây sạt lở 12.907 m2 đất bờ sông; 3.471 căn nhà bị ngập; 651 căn xiêu vẹo; 344 ha lúa và hoa màu vụ 3 đang bị ngập và gặt ép; mất trắng 3.535 ha. Lũ còn làm ngập 120 ao cá và 136 km đường giao thông bị ngập, sạt bờ.
Tỉnh kịp thời trích ngân sách 46 tỷ đồng chi phí gia cố đê, nhưng do cường suất lũ mạnh đã làm phát sinh 254 km đê bị vỡ, tập trung nhiều nhất là huyện Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên….
Tính đến thời điểm này, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm 8 người chết, trong đó, tỉnh An Giang có 4 người chết, Đồng Tháp có 1 người, Long An có 2 người và tại thành phố Cần Thơ có 1 người.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN