Ngày 23/11 tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu.
Băn khoăn vấn đề doanh nghiệp nhà nước
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Nguyễn Dân-TTXVN |
Mở đầu cho buổi chất vấn, đại biểu (ĐB) Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Vũ Văn Ninh làm rõ về văn bản quy định tỷ lệ vốn khống chế mà các tập đoàn, DNNN được phép đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính và hiệu quả từ công tác quản lý, giám sát của Bộ về vấn đề này. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, căn cứ vào Nghị định 09/CP của Chính phủ ban hành năm 2009, mức đầu tư của các tập đoàn vào những lĩnh vực không phải sản xuất chính nhưng phục vụ cho sản xuất chính là không quá 30%, còn mức đầu tư vào sản xuất chính là 70%. Đối với những lĩnh vực ngân hàng, tín dụng bảo hiểm, việc khống chế chặt chẽ hơn, mỗi tập đoàn chỉ được đầu tư vào 1 doanh nghiệp loại này và ở mức không quá 20% vốn điều lệ. Trên cơ sở đó, Bộ cũng đang yêu cầu các tập đoàn báo cáo về việc này, nếu vượt quá mức cho phép sẽ phải rút vốn theo đúng quy định.
ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) thẳng thắn hỏi, có quan điểm cho rằng “DNNN mới đổi mới về hình thức, còn nội dung quan trọng nhất là phương thức quản trị, quản lý thì cơ bản vẫn như cũ. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thấp của DNNN, là nơi làm giàu của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp”, Bộ trưởng có thấy trách nhiệm của mình không? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, hiện nay Nhà nước đang chuyển đổi phương thức quản trị doanh nghiệp. Những can thiệp hành chính đã rất hạn chế; giao quyền tự chủ, sản xuất kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc đầu tư, sản xuất kinh doanh đã được thay đổi theo phương thức tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm. Nền kinh tế nước ta đang vận hành theo mô hình kinh tế thị trường, định hướng XHCN, doanh nghiệp cũng đi theo hướng này. Bộ trưởng cho rằng, cần quy định rõ chức năng quản lý nhà nước, quản lý ngành, trách nhiệm của chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn, để tránh tình trạng giao quyền quá lớn cho doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra kiểm soát từ trong nội bộ hoặc từ trên xuống. Tiến tới, có thể thiết kế theo mô hình Nhà nước cử kiểm soát viên và trả lương kiểm soát viên xuống các doanh nghiệp để tăng cường giám sát, quản lý.
Bài học về quản lý
ĐB Đặng Như Lợi cũng là người đầu tiên đề cập đến trách nhiệm của Bộ Tài chính liên quan đến sự việc tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). ĐB Lợi chất vấn, theo nhiều báo cáo, tổng tài sản của Vinashin là gần 105.000 tỷ đồng, với việc mua tàu, ca nô và một số thiết bị máy móc cũ, đầu tư dàn trải, giá trị trên thực tế còn lại bao nhiêu? Tình hình tài chính hiện nay của Vinashin trách nhiệm phần lớn thuộc về Bộ Tài chính? Bộ trưởng có thấy trách nhiệm của mình?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, theo báo cáo đến 30/6/2009, tổng tài sản của Vinashin là hơn 104.000 tỷ đồng, số nợ là hơn 86.000 tỷ đồng. Số nợ này đã nằm trong các dự án, nhà máy mà Vinashin đang đầu tư. Vinashin đã đầu tư xây dựng 110 nhà máy, trong đó 28 nhà máy hoạt động tốt. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, trong quá trình vay vốn, Vinashin đã mua một số tài sản, máy móc, tàu thuyền cũ. Số đó không mất hết, nhưng để xác định mất bao nhiêu, các cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá. Bộ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán và cơ quan điều tra vào cuộc, xác định giá trị thực của các tài sản này.
Đề cập đến trách nhiệm của 3 bộ liên quan đến vấn đề này: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) nêu câu hỏi: Các bộ, ngành này không quản lý hay không quản lý được? Không phát hiện hay có phát hiện sai phạm của Vinashin mà không làm gì được? Vì sao lại để vi phạm kéo dài mà không ngăn chặn sớm? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời, quy định của Luật Doanh nghiệp đã giao cho doanh nghiệp quyền tự vay. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát, thanh, kiểm tra nhưng không quyết định cụ thể từng phương án kinh doanh sản xuất, sử dụng từng nguồn vốn của Vinashin. Trong quá trình đó, Bộ cũng đã tổ chức thanh kiểm tra và đã phát hiện vi phạm trong sử dụng vốn của tập đoàn như: Sử dụng vốn chưa hiệu quả, đầu tư dàn trải, làm chưa đúng quy định và đã yêu cầu tập đoàn xử lý, khắc phục, cắt giảm các dự án đầu tư. Ngay từ tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Vinashin phải chấp hành kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước, sắp xếp lại sản xuất, cắt giảm các dự án đầu tư. Đến năm 2010, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Vinashin bàn giao dự án cho một số tổng công ty, tập đoàn khác. Theo Bộ trưởng, đây là bài học, rằng cần tăng cường kiểm tra giám sát, triển khai xử lý triệt để, mạnh mẽ hơn nữa khi phát hiện vi phạm. Bộ trưởng khẳng định, các bộ, ngành có phát hiện ra những sai phạm tại Vinashin nhưng chưa triển khai xử lý triệt để.
Tăng cung để kiểm soát giá
Đặt vấn đề, việc tăng giá đang làm giảm ý nghĩa của sự tăng trưởng, làm cho đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân rất khó khăn, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) bày tỏ thái độ không đồng tình với một số ý trong văn bản trả lời của Bộ trưởng Tài chính, rằng giá cả thị trường thế giới tăng nên giá cả trong nước cao và quan điểm của Bộ trưởng cho rằng, một trong những nguyên nhân tăng giá là do dịp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. ĐB Hùng viện dẫn một số quốc gia mặc dù hội nhập sâu nhưng vẫn giữ được chỉ số tăng giá dưới 5%. ĐB Hùng đặt câu hỏi: Liệu có vấn đề trong công tác quản lý điều hành giá?
Bộ trưởng Tài chính giải thích, Việt Nam là nước nhập siêu, trong đó, cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước là 75% nên bị ảnh hưởng lớn bởi giá nhập khẩu. Thêm vào đó, những vấn đề trong nước như tác động của thiên tai, dịch bệnh, sức mua tăng, tỷ giá, lãi suất, giá vàng… cũng ảnh hưởng lớn đến giá cả thị trường. Sức mua cũng chỉ là một trong những yếu tố làm tăng giá. Các nước nhập siêu lớn sẽ chịu tác động tăng giá bao gồm cả chi phí đẩy và chi phí kéo. Hơn nữa, một số mặt hàng trong nước chưa đi theo giá thị trường như mặt hàng điện; than bán cho điện, giấy, phân bón, xi măng…, nên cần có lộ trình điều chỉnh những mặt hàng này sát với giá thị trường để không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Nói giá cả tăng do yếu tố Tết, sức mua tăng, chỉ là một trong những nguyên nhân, bởi thông thường, vào dịp cận Tết, do sức mua lớn nên giá cả hàng hóa thường tăng. Yếu tố quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này là tăng cường cung hàng cho thị trường. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc này, ứng vốn cho các doanh nghiệp đầu mối để đảm bảo cân bằng trong cung cầu hàng hóa; đồng thời tích cực thanh, kiểm tra giá cả hàng hóa trên địa bàn.
Đã chi 218 tỷ đồng cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) về kinh phí chi phí cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và có hay không việc mua 2.000 viên rubi từ châu Phi về để gắn mắt 1.000 con rồng làm quà tặng, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã chi 218 tỷ đồng cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chủ yếu tập trung chi lớn cho Hà Nội và có hỗ trợ một số địa phương. Hiện, Bộ đã yêu cầu báo cáo và Hà Nội đang đôn đốc việc quyết toán để có báo cáo chính thức. Bộ trưởng khẳng định với Quốc hội: Không có con số hơn 90.000 tỷ đồng chi cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các dự án làm đường hoặc chỉnh sửa hè phố... thì không có Đại lễ vẫn phải làm, chỉ là nhân dịp Đại lễ phấn đấu hoàn thành để chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Về việc mua 2.000 viên rubi, Bộ trưởng cho biết: Việc này không phải việc chi từ tiền ngân sách mà là Công ty cổ phần mỹ nghệ Đông Sơn chi, bằng tiền của doanh nghiệp.
Tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về căn cứ pháp lý để tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng dẫn giải: Tại kỳ họp Quốc hội trước, các đại biểu chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, vì vậy Thủ tướng Chính phủ không chỉ đạo và Bộ GTVT không tiến hành đầu tư đường sắt cao tốc. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ vẫn tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc. Bộ trưởng khẳng định, pháp luật cho phép việc này và trên thực tế Bộ GTVT đang nghiên cứu rất nhiều dự án về đường sắt, đường bộ, và các dự án khác.
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) vì sao lại đặt vấn đề tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, Bộ đang xây dựng quy hoạch và rà soát xây dựng quy hoạch về mạng lưới đường sắt trong cả nước nói chung, trong đó có tuyến đường sắt Bắc - Nam. Về câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc, vì sao ta không chọn việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện có mà lựa chọn xây dựng đường sắt cao tốc, Bộ trưởng cho biết: Đường sắt của ta đã có từ rất lâu, hiện chỉ có thể duy tu bảo dưỡng. Bộ trưởng khẳng định việc hiện đại hóa đường sắt cũ là không khả thi và gây ảnh hưởng tới việc lưu thông hiện tại trên các tuyến đường sắt. Bộ trưởng khẳng định, đường sắt Bắc - Nam sẽ phải kết nối với đường sắt đô thị trong tương lai.
Đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định sự tán thành của mình đối với việc Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc, nhưng cho rằng hiện tại chúng ta luôn kêu thiếu vốn, nợ nần, làm ăn chưa hiệu quả, trình độ quản lý yếu... Vậy mà khi lựa chọn dự án tối ưu cho việc xây dựng hệ thống đường sắt, chúng ta lại ưu tiên phương án đường sắt cao tốc hơn loại đường sắt phổ biến hiện nay. Đại biểu đánh giá, đường cao tốc chỉ dành cho một số người có tiền, nhu cầu đi lại nhanh, còn đường sắt thường mang lại nguồn lợi cho đa số người dân. Đại biểu nhấn mạnh: "Chúng tôi không phản đối đường sắt cao tốc mà chỉ muốn tìm một lộ trình thích hợp".
Còn sự chồng chéo trong phối hợp liên ngành
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Ảnh: Nguyễn Dân-TTXVN |
Nói về việc xuất hiện những hố "tử thần" tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng phân tích nguyên nhân của hiện tượng này là do việc tái lập mặt đường chưa đúng quy định, do sự xuống cấp hư hỏng của các công trình ngầm, do cấu tạo địa chất, việc khai thác nước ngầm tùy tiện... Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: Hiện Bộ GTVT không làm chủ đầu tư bất cứ công trình nào trong việc xây dựng hạ tầng nội đô thành phố, Bộ chỉ đảm nhận một vài công trình lớn. Trong việc tái lập mặt bằng chưa đạt yêu cầu, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Bộ trưởng đã nêu lên trách nhiệm của Bộ trong việc đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng tình với sự phân tích của đại biểu Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) là có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng dẫn luật đã phân công việc quản lý kết cấu hạ tầng đô thị thuộc Bộ Xây dựng, trong đó kết cấu hạ tầng có nhiều vấn đề (hạ tầng ngầm, có đường giao thông, chiếu sáng, cấp thoát nước...). Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu và bàn bạc với Bộ Xây dựng để tìm phương án trình Chính phủ giải quyết những khúc mắc này.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) về việc chậm tiến độ các công trình giao thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận đây là một thực tế do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân về sự phối hợp liên ngành. Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Vinashin sẽ có lãi vào năm 2013
Con số thua lỗ thực tế của Tập đoàn Vinashin, vấn đề tái cơ cấu, việc xử lý trách nhiệm của các bên liên quan… được các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) quan tâm, chất vấn các thành viên Chính phủ. Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Theo quyết định của Bộ Chính trị, phương án tái cơ cấu được thực hiện để Vinashin phục hồi, phát triển và tự trả được nợ. “Nếu không tái cơ cấu thì cơ bản cơ sở vật chất đó trở thành đống sắt vụn” - Phó Thủ tướng nói. Việc tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2008 bằng việc thu hồi các khoản vốn đầu tư của Vinashin vào các lĩnh vực khác, cắt giảm từ 185 dự án xuống còn 28 dự án, nhưng chỉ tập trung vào 13 dự án. Đầu năm 2010 tiếp tục tái cơ cấu bước 2, chuyển ngành vận tải hàng hóa sang Vinalines, một số ngành công nghiệp phụ trợ chuyên dùng cho ngành dầu khí sang Tập đoàn Dầu khí, chỉ giữ lại lĩnh vực đóng tàu, sửa chữa tàu và đào tạo công nhân thiết kế kỹ thuật. Hiện Vinashin đang được tái cơ cấu bước 3.
Sản xuất kinh doanh bắt đầu phục hồi. 130 con tàu vẫn giữ được hợp đồng, nhờ đó tiếp tục cơ cấu tài chính, giải quyết được các khó khăn. 28 nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại, có nguồn hàng và tiếp tục đóng đủ. 27 con tàu đóng dở dang đã đóng đủ và đều có chủ. Năm nay, Vinashin sẽ đóng được 66 con tàu và đạt giá trị doanh thu về tàu gần 600 triệu USD, cộng với doanh thu của công nghiệp phụ trợ, Tập đoàn sẽ có doanh thu khoảng 14.000 tỷ đồng. Năm 2011, Vinashin sẽ đàm phán đóng khoảng 110 con tàu. Trong số 26 tàu được chuyển cho Vinalines, hiện 23 tàu đã đi biển chở hàng và đến cuối năm sẽ có thu nhập khoảng 1.400 tỷ đồng. Ba con tàu còn lại, một tàu đã phá dỡ và bán, một tàu sẽ được sửa chữa, còn tàu Hoa Sen đã được cho thuê lại với doanh thu được 4 triệu USD/năm.
Đối với những băn khoăn của các đại biểu về khả năng trả nợ, Phó Thủ tướng cho rằng, bán được tàu, sản xuất kinh doanh phục hồi, Vinashin sẽ có tiền trả nợ. Đến nay, còn 216 doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu tiếp bằng nhiều phương pháp và sẽ từng bước được tái cơ cấu dưới nhiều hình thức để thu hồi lại vốn. Tất cả số vốn này chiếm khoảng 20% tổng tài sản của Vinashin và chắc chắn sẽ có lãi khi được tái cơ cấu. Còn 80% tài sản và nợ Vinashin đang gánh, nếu thị trường vận tải thế giới phục hồi nhanh, phát triển được, tái cơ cấu tốt, quản trị tốt, làm ăn có hiệu quả, hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đến năm 2012, Vinashin có thể đứng vững và có lãi trở lại vào năm 2013.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, cơ quan chức năng đang tích cực điều tra xử lý các vi phạm, những người cố ý làm trái, vi phạm sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật. Việc kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ đã và đang được tiến hành, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang chủ trì giúp Bộ Chính trị làm việc này một cách nghiêm túc, công bằng và kết quả kiểm điểm sẽ công khai trước công luận.
TTN/TTXVN