Nếu không coi lãng phí cũng nguy hại chẳng kém tham nhũng thì như vậy là chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hành tiết kiệm. Trong bài viết của mình Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách”.
Lãng phí không chỉ là mất tiền bạc, tài nguyên
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, nhiều chỉ thị, nghị quyết đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa ban hành. Tuy nhiên, như Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa có chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên thuộc về nhận thức. Một khi nhận thức chưa đúng thì hành động không thể đạt hiệu quả mong muốn. Không phải ngẫu nhiên khi giải pháp đầu tiên được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra là cần thống nhất nhận thức rằng đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
Để có nhận thức đúng về chống lãng phí thì phải hiểu tường tận Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Theo đó, tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định, còn lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả.
Về mặt nguyên tắc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát; phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ và quy định khác của pháp luật; phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức; phải thực hiện phân cấp quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân.
Trong các nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì việc nhận thức phải tuân thủ đúng pháp luật là điều quan trọng nhất. Bởi lẽ, việc chấp hành nghiêm túc định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo tiêu chuẩn của pháp luật vốn đã là nền tảng cho hành động chống lãng phí.
Chúng ta cần nhận thức được rằng có một dạng lãng phí tinh vi, đó là lãng phí do tham nhũng. Đó là khi người có thẩm quyền dù hiểu rằng đầu tư sẽ không hiệu quả nhưng vẫn quyết định tiến hành vì điều này mang lại tiền bạc cho cá nhân, cho nhóm lợi ích.
Chống lãng phí không đơn thuần chỉ là chống thất thoát tiền bạc, tài nguyên. Song nhiều người không nhận thức được điều này. Lãng phí thời gian còn nguy hại hơn vì nhiều khi có tiền cũng không lấy lại được cơ hội đã bị bỏ lỡ. Việc không thể giải ngân, chậm trễ thực hiện các dự án lớn về giao thông, hạ tầng cơ sở là một thí dụ.
Nhìn rộng ra, việc các đơn vị, tổ chức ban ra các quyết định, chỉ thị thiếu thực tế, phải thu hồi cũng là một dạng lãng phí thời gian của cán bộ và nhân dân. Còn việc lãng phí sức lao động thì được thể hiện ở việc sử dụng nhân lực, con người không hợp lý và không hiệu quả, dẫn đến bộ máy tổ chức cồng kềnh, gây hao tổn ngân sách nhà nước.
Cải cách thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp cũng là một hình thức chống lãng phí, góp phần tăng năng suất lao động.
Chúng ta cũng phải nhận thức được về tình trạng “lãng phí ngược” – chi ít hơn mức cần thiết nhưng kết quả cuối cùng là “mục tiêu đã định” thì không đạt được, phải làm thêm, thậm chí là làm lại từ đầu. Như vậy, chi tiêu ít không phải lúc nào cũng là tiết kiệm, trong một số trường hợp thì đó là “bủn xỉn”, “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu không tiêu” như lời Bác Hồ đã dạy.
Vị trí càng cao, nhận thức càng phải rõ
Để thực hành tiết kiệm, trong nhóm giải pháp thứ nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Người nắm vị trí càng cao càng phải nhận thức rõ ràng về trách nhiệm thực hành tiết kiệm. Thực tế cho thấy, nguyên nhân quan trọng dẫn đến lãng phí là nhiều tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã ban hành những quyết định không chính xác, làm thất thoát lớn tài nguyên, nguồn lực tài chính, con người. Tình trạng lãng phí do tham nhũng cũng chủ yếu do những người có chức, có quyền gây ra.
Trong bối cảnh đó, nêu bật trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, ngày 26/6/2024, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW (ngày 25/12/2023) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chương tình đặt ra yêu cầu là xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, để từ đó đề ra giải pháp để các bộ, ngành, cơ quan và địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW đạt hiệu quả cao nhất; qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển đất nước, nâng cao cuộc sống nhân dân.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là chú trọng xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch, chương trình hiệu quả, có chất lượng; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao./. (Còn tiếp)
Bài tiếp theo: Truy trách nhiệm cá nhân