Bên kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII:

Bộ luật Dân sự vẫn phải là bộ luật gốc

Bên lề buổi thảo luận tổ về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sáng 13/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm đối với những nội dung còn có nhiều ý kiến như: việc đưa nguyên tắc cơ bản của luật chuyên ngành vào Bộ luật Dân sự, việc lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự, các thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo luật.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Vĩnh Long và Bạc Liêu thảo luận tại tổ. Ảnh: An Đăng – TTXVN.


Nên hay không việc đưa nguyên tắc cơ bản của Luật chuyên ngành vào Bộ luật dân sự?


Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, cần xác định Luật Dân sự vẫn là bộ luật gốc, bộ luật nền. Hiện nay có một số Luật chuyên ngành được quy định rất cụ thể những nội dung có trong Bộ luật Dân sự như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp… Các vấn đề như: Chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ cũng đã có luật chuyên ngành quy định với những nguyên tắc, khái niệm, các chế định điều chỉnh cụ thể.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Trịnh Ngọc Phương phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng - TTXVN.


Bởi vậy, theo đại biểu, không nên đưa những nguyên tắc cơ bản của Luật chuyên ngành vào Bộ luật Dân sự nhằm tránh chồng chéo và khả năng xung đột sau này. Tuy nhiên, những nguyên tắc cơ bản nhất của Bộ luật Dân sự mà luật chuyên ngành không thể thay thế được sẽ phải quy định trong Bộ Luật Dân sự để các luật chuyên ngành không thể vượt qua và làm trái được.

Những nguyên tắc cơ bản trong quyền về dân sự, nhân thân như: tự do cam kết, tự chịu trách nhiệm thỏa thuận trên cơ sở của luật pháp, được pháp luật bảo vệ… là không thể thay đổi.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) lại cho rằng, Bộ Luật Dân sự được sửa đổi trên cơ sở đã có một số luật chuyên ngành được ban hành trước. Do vậy, cần rà soát lại toàn bộ luật chuyên ngành có liên quan đến Bộ luật Dân sự như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và một số luật khác để đưa những nội dung đã quy định ở bộ luật chuyên ngành vào Bộ luật Dân sự.

Từ đó, khi phát sinh tranh chấp mới có cơ sở để căn cứ và giải quyết về quy trình thủ tục. Đại biểu đề nghị cần sửa đổi cả Bộ luật Tố tụng dân sự.

Cần thực hiện lấy ý kiến nhân dân một cách hiệu quả


Vấn đề lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đại biểu Trần Thị Hoa Sinh đồng tình cao. Bộ Luật Dân sự bao gồm những nội dung điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong xã hội và trong nhân dân. Đây là vấn đề lớn không thể thực hiện gấp gáp, vội vàng.

Sau kỳ họp này, cần tổ chức triển khai ngay việc lấy ý kiến nhân dân, kỳ họp thứ 9 tiếp tục thảo luận, tiếp thu ý kiến và đến kỳ họp thứ 10 mới thông qua. Đại biểu cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân phải hiệu quả, các ý kiến tham gia phải chính đáng, tránh việc lấy ý kiến theo kiểu hình thức, gây tốn kém về kinh phí.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng - TTXVN.


Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đánh giá cao quy trình xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong đó có quy trình lấy ý kiến nhân dân. Theo đại biểu, quy trình xây dựng Bộ Luật Dân sự sửa đổi được thực hiện gần như Hiến pháp, trải qua 3 kỳ họp mới thông qua.Việc lấy ý kiến nhân dân thể hiện tầm quan trọng của Bộ luật này.

* Nên sử dụng thuật ngữ quen thuộc trong Bộ luật Dân sự 2005

Đại biểu Bùi Văn Xuyền đánh giá: Một số nội dung và thuật ngữ mới dự thảo Bộ luật lần này đưa ra như từ “vật quyền” thay cho từ “quyền tài sản” , “hành vi pháp lý” thay cho “giao dịch pháp lý” và một loạt các thuật ngữ mới đưa ra rất khó hiểu đối với nhân dân. Đại biểu cho rằng, ngay cả những người làm công tác luật pháp cũng đã thấy khó hiểu vì đây là những thuật ngữ rất lạ, chưa quen thuộc cho người dân.

Bộ luật Dân sự ban hành từ năm 1995, đến năm 2005 sửa đổi có hiệu lực được gần 10 năm nên các khái niệm về giao dịch dân sự, thuật ngữ đã quen thuộc với người dân. “Nếu thay đổi các cụm từ, khái niệm đó mà không giải thích rõ ràng, ngọn ngành, không có lý do thuyết phục thì không cần thiết phải thay”, đại biểu nhận định.

Đối với những vấn đề chưa phù hợp với thông lệ chung của luật pháp quốc tế cần phải thay đổi nhưng cũng nên việt hóa để người dân có thể hiểu được và thực hiện chứ không phải luật ban hành chỉ để giới luật sư, luật học hiểu. Như vậy là không đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đại biểu cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc sử dụng những thuật ngữ trước đây của Bộ luật Dân sự 2005; nếu có thay đổi cũng phải việt hóa để Bộ luật đi được vào cuộc sống.


Thu Phương (TTXVN)
Thảo luận tổ về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)
Thảo luận tổ về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN