Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới về đại hội đảng bộ các cấp

Ngày 14/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW (Chỉ thị số 45) của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Chú thích ảnh
Đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVI của Đảng; Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị.

Theo Chỉ thị số 45, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng tổ chức vào đầu năm 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, trọng đại của đất nước; là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; đồng thời, là thời điểm tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Đại hội tiến hành kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 và những năm tiếp theo; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, kết quả quan trọng, nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực: xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại. Vai trò, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta tiếp tục được nâng cao; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, tăng cường...

1. Đại hội đảng bộ các cấp thực hiện 4 nội dung sau:

(1) Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025 - 2030.

(2) Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp.

(3) Bầu ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030.

(4) Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.

Những nơi thực sự có khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý, thì đại hội với 3 nội dung, chưa tiến hành bầu cấp ủy khoá mới.

Những đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hợp nhất, sáp nhập; đảng bộ xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (gồm cả các xã không sáp nhập, các xã thuộc diện hợp nhất, sáp nhập đã tổ chức đại hội), đảng bộ (chi bộ) hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới theo chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, thì đại hội với 2 nội dung (tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên cơ sở nội dung nghị quyết đại hội của các đảng bộ, chi bộ trước khi hợp nhất, sáp nhập; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, dự thảo văn kiện đại hội cấp trên trực tiếp), không bầu cấp ủy khoá mới và đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên.

Ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ khoá mới và phân bổ số lượng, chỉ định đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.

Đối với các đảng bộ cấp xã không hợp nhất, sáp nhập nếu đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030, thì: (i) Tổ chức hội nghị ban chấp hành để thảo luận các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp theo quy định. (ii) Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiện toàn nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 và nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên, bảo đảm theo đúng quy định.

2. Dự thảo văn kiện của cấp ủy trình đại hội gồm 2 báo cáo chủ yếu:

+ Báo cáo chính trị của đảng bộ là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác; phải đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực tình hình, kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cho phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ mới; đồng thời, tiếp thu những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, của cấp trên, dự báo được tình hình để đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, chú ý các nhiệm vụ, giải pháp đột phá với tầm nhìn dài hạn.

+ Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đánh giá đúng, khách quan, toàn diện, trung thực về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá XI, XII, XIII gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định những điều đảng viên không được làm và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; đồng thời, phải đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.

3. Về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp uỷ:

3.1.Tiêu chuẩn cấp ủy viên

Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khoá mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017, Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị khoá XII và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cấp ủy các cấp căn cứ vào yêu cầu, tiêu chuẩn chung nêu tại Chỉ thị này để cụ thể hoá cho phù hợp với tình hình, đặc điểm ở cấp mình theo quy định (Phụ lục 1).

3.2.Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ (gồm các tổ chức chính trị - xã hội)

Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy (là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp): cấp cơ sở tháng 4/2025; cấp trên trực tiếp cơ sở (gồm cả đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương) tháng 6/2025; đảng bộ các xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh là tháng 7/2025; cấp trực thuộc Trung ương tháng 9/2025.

Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo HĐND, UBND, đoàn Đại biểu Quốc hội tháng 3/2026

Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo MTTQ (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) là thời điểm đại hội ở các cấp của mỗi tổ chức.

3.3. Độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ (gồm các tổ chức chính trị - xã hội):

Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp, thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức theo quy định tại Điểm 3.2 nêu trên.

Những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 48 tháng trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp. Trường hợp đặc biệt đối với nhân sự là phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 42 tháng trở lên (Phụ lục 2).

Cán bộ tái cử cấp ủy thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, MTTQ (gồm các tổ chức chính - xã hội) nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 36 tháng trở lên tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức. Thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức theo quy định tại Điểm 3.2 nêu trên.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khoá XIII thực hiện quy định về độ tuổi tái cử theo Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng.

3.4. Độ tuổi tái cử ủy ban kiểm tra các cấp: Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương cụ thể hoá, hướng dẫn theo định hướng tăng thời gian tối thiểu tái cử ủy ban kiểm tra từ 24 tháng thành 42 tháng (tăng 18 tháng so với quy định hiện nay), bảo đảm đồng bộ, thống nhất với độ tuổi tái cử cấp ủy theo quy định của Bộ Chính trị.

Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương

Quy định về cơ cấu, số lượng cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ và phó bí thư cấp uỷ, Chỉ thị nêu rõ:

Bộ Chính trị yêu cầu cơ cấu cấp uỷ phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng; coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; thực hiện chủ trương không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp uỷ; quy định thống nhất những chức danh có cơ cấu "cứng" tham gia ban thường vụ, số chức danh còn lại do cấp uỷ quyết định theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình đội ngũ cán bộ của địa phương, đơn vị.

Việc chuẩn bị nhân sự cần kết hợp hài hoà giữa nguồn nhân sự tại chỗ với việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến. Các địa phương, đơn vị có cơ cấu cấp uỷ nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, điều động nhân sự từ nơi khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để giới thiệu, chỉ định tham gia cấp uỷ hoặc bổ sung sau đại hội.

Cơ bản thực hiện bố trí bí thư (phó bí thư) cấp uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND ở cấp tỉnh, cấp xã. Mỗi đồng chí trong thường trực cấp uỷ cấp tỉnh cơ bản không giữ quá 2 chức danh trong các chức danh lãnh đạo tỉnh, thành phố: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, chủ tịch MTTQ; trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương gắn với việc sử dụng, bố trí hài hoà nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; phấn đấu cơ bản hoàn thành ở cấp xã và khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.

Phân công, bố trí công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác đối với các đồng chí bí thư cấp uỷ cấp trên trực tiếp cơ sở và tương đương trở lên đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp uỷ viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp xã) từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ); phấn đấu tỷ lệ cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ khoảng 5%; tỷ lệ cấp uỷ viên là người dân tộc thiểu số bảo đảm phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cấp uỷ và người đứng đầu các cấp có thẩm quyền chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, đề bạt, bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp uỷ khoá mới theo quy định.

Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp uỷ viên trong nhiệm kỳ (không thực hiện đối với đảng bộ hợp nhất, sáp nhập). Thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp uỷ các cấp và phấn đấu thực hiện trong ban thường vụ, thường trực cấp uỷ.

Vào đầu nhiệm kỳ, những nơi nào chưa bầu đủ số lượng, tỷ lệ, cơ cấu cấp uỷ theo chỉ thị này, thì trong nhiệm kỳ phải chủ động chuẩn bị nhân sự để kiện toàn, bổ sung theo quy định.

Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương và ban thường vụ cấp uỷ trực thuộc Trung ương căn cứ chỉ thị này, các quy định liên quan hướng dẫn thể về cơ cấu cấp uỷ, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ tham gia cấp uỷ và việc đổi mới cấp uỷ đối với đảng bộ trong lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trực thuộc có tính chất đặc thù đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn.

Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện và tình hình đội ngũ cán bộ, đại hội quyết định số lượng cấp uỷ viên; cấp uỷ khoá mới quyết định số lượng uỷ viên ban thường vụ, phó bí thư cấp uỷ trên cơ sở quy định của cấp có thẩm quyền.

Thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp

Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu cấp cơ sở không quá 2 ngày, hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và đảng bộ xã, phường, đặc khu không quá 2 ngày, hoàn thành trước ngày 31/8/2025. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày (đối với những nơi tiến hành đại hội 2 nội dung thì gian có thể ngắn hơn), hoàn thành trước ngày 31/10/2025.

Thời gian họp trù bị được tính vào thời gian tiến hành đại hội, đối với cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên không quá 1/2 ngày.

Thời gian tổ chức đại hội điểm: cấp trên trực tiếp cơ sở vào đầu quý III/2025; cấp trực thuộc Trung ương trong quý III/2025.

Việc kiện toàn, bổ sung cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện theo Kết luận số 128-KL/TW ngày 7/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ…

Chỉ thị số 45 cũng nêu rõ công tác chuẩn bị văn kiện đại hội và tổ chức thảo luận, công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp uỷ, cơ cấu, số lượng cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ và phó bí thư cấp uỷ, quy trình nhân sự cấp uỷ, thực hiện bầu cử trong đại hội, cơ cấu, số lượng đại biểu và việc bầu đại biểu dự đại hội cấp trên; tổ chức thực hiện...

TTXVN/Báo Tin tức
Về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp
Về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp

Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN