Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, điểm đáng lo ngại là dịch đã xâm nhập vào một số công ty có sử dụng hàng nghìn lao động, tạo ra những ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát.
Những ngày qua, tại Công ty Hansol Vina đóng trên đường số 6 thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (thành phố Dĩ An) được xác định là ổ dịch nguy cơ cao sau khi xuất hiện thêm hàng chục ca mắc mới. Công ty Hansol Vina có 4.000 lao động, đang được phong tỏa để lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho tất cả số người của Công ty; riêng ngày 6/7, qua tầm soát đã phát hiện thêm 48 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới.
Ông Ngô Quang Bảo, Trưởng phòng Kế toán, đại diện lãnh đạo Công ty Hansol Vina cho biết giải pháp cấp bách của Công ty vào lúc này là tránh lây nhiễm chéo và hỗ trợ người lao động. Hiện tại, Công ty phối hợp với ngành Y tế địa phương triển khai xét nghiệm RT-PCR và Quick test cho những nhân viên và sàng lọc những công nhân nào âm tính thì được cho về nhà tự cách ly và chịu quản lý của địa phương. Công ty cũng áp dụng nghiêm theo quy định giữ khoảng cách mỗi người cách nhau 2m, khu vệ sinh đảm bảo sạch sẽ. Công ty cũng chuẩn bị cơm cho người lao động đủ 3 bữa (sáng, trưa, chiều)/ngày.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An Đỗ Việt Hùng, liên quan đến Công ty Hansol Vina, hiện địa phương thực hiện truy vết cho 4.000 lao động tại doanh nghiệp này; nếu qua truy vết các trường hợp F0 và F1 thì đi cách ly tập trung, còn những trường hợp F2 sẽ tính toán cho về cách ly tại nhà.
Trước thực trạng trên, Công ty Hansol Vina đã có văn bản đề nghị ngành Y tế tăng cường lực lượng điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp F1, F2 và lấy mẫu xét nghiệm cho từng cán bộ, công nhân, lao động. Đối với các trường hợp F1, ngành Y tế hướng dẫn Công ty tổ chức cách ly riêng; các trường hợp F2, F3 cho về nhà tự cách ly. Theo đó, hiện Công ty Hansol Vina tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An lấy mẫu gộp sàng lọc cho toàn bộ người lao động tại đây, đồng thời đưa các trường hợp F0 đi điều trị, các trường hợp F1 nguy cơ cao đưa đi cách ly tập trung để kiểm soát ổ dịch này.
Trong khi đó, những ngày qua, ổ dịch tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Wanek đóng tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (thành phố Thủ Dầu Một) vẫn chưa được “cắt đứt” khi nguồn lây vẫn còn phát sinh. Hiện mỗi ngày vẫn còn thêm nhiều công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Đến nay, chuỗi lây nhiễm tại Công ty này đã lên đến 300 lao động mắc COVID-19.
Hệ thống Công ty Trách nhiệm hữu hạn Wanek có trên 2.550 lao động (gồm 306 lao động tại Công ty Wanek 1 và 2.253 lao động tại Công ty Wanek 2). Trước việc gia tăng số lao động nhiễm bệnh và lo ngại về lây nhiễm chéo, vừa qua Công ty đã chia tách từng nhóm (khoảng 300 lao động) để đưa đi cách ly tập trung tại các điểm trường học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một để ngăn chặn lây nhiễm chéo; đồng thời xét nghiệm sàng lọc giúp công nhân kiểm soát bệnh.
Theo Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, đặc điểm của Bình Dương là có rất nhiều nhà trọ đan xen với nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp. Ca bệnh đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân và lây sang các công ty khác; do đó rất khó kiểm soát và có thể ca bệnh tăng cao trong thời gian tới nếu không ngăn chặn kịp thời.
Số ca mắc hiện nay trên địa bàn tỉnh tăng rất nhanh, chuyển qua cấp độ 5, do đó báo động dịch lên mức cao nhất và tập trung biện pháp, nguồn lực kịp thời chống dịch. Hiện toàn ngành Y tế tỉnh đang chuyển trạng thái phòng, chống dịch, tập trung nguồn lực cắt đứt nguồn lây bệnh.
Trong thời gian qua, tỉnh đã kiểm soát được nhiều ổ dịch tại cộng đồng, tại khu nhà trọ, tại các nhà máy, công ty. Hiện nay, tỉnh tập trung nguồn lực để khống chế ổ dịch tại Chi nhánh Xí nghiệp xử lý chất thải Bình Dương và Công ty Cổ phần đồ dùng gia đình House Wares và các công ty, xí nghiệp có nguy cơ cao.
Bộ Y tế đã chi viện 350 cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội vào giúp Bình Dương phòng, chống dịch. Hôm nay (7/7), ngành Y tế tỉnh phối hợp với Đoàn công tác Bộ Y tế và lực lượng chi viện bắt đầu triển khai lấy mẫu sàng lọc 1 triệu dân tại các khu vực nguy cơ cao tại nhiều địa phương như thị xã Tân Uyên, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An.
Về phương án khác, tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo; nâng số giường cách ly lên 20.000 - 30.000 giường; nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, khả năng đáp ứng 1.000 bệnh nhân. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân, cộng đồng; xử lý nghiêm, nhất là xử lý hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm phòng, chống dịch làm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.