Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đối thoại với đoàn viên công đoàn và người lao động

Chiều 28/12, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai, 60 đại biểu (đại diện cho 700 nghìn đoàn viên công đoàn và 1,2 triệu lao động) đã tham dự hội nghị đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh với đoàn viên công đoàn và người lao động trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu. 

Hội nghị là dịp để các đại biểu gặp gỡ, trao đổi với với đoàn viên công đoàn và người lao động trên địa bàn tỉnh; đồng thời để đoàn viên công đoàn và người lao động trực tiếp phản ánh, kiến nghị những tâm tư, nguyện vọng ý kiến trao đổi của các cơ quan, địa phương liên quan đến công tác chăm lo cho  người lao động trên địa bàn tỉnh, định hướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của đoàn viên công đoàn và người lao động đã phản ánh, kiến nghị về những vấn đề liên quan đến chính sách xây dựng nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn của tỉnh. Nhiều đại biểu đã nêu những khó khăn khi tiếp cận các thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội cho người lao động trong thời gian qua và đề xuất biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Việc đối thoại trực tiếp được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, chân tình, đúng trọng tâm, trọng điểm với tinh thần xây dựng vì lợi ích chung chăm lo người lao động.
 
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết trên cơ sở phát biểu ý kiến, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên công đoàn và người lao động, Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận, tiếp thu và sẽ chỉ đạo các cơ quan đề ra các giải pháp khắc phục những bấp cập, khó khăn, vướng mắc tồn tại.

Chú thích ảnh
Đại diện đoàn viên công đoàn phát biểu. 

Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, do không thể mua nhà ở nên nhiều lao động di cư tại Đồng Nai đang phải chen chúc trong các căn nhà trọ chật hẹp. Đặc biệt đợt dịch vừa qua đã cho thấy những bất cập của nhà trọ nhỏ và đời sống của người lao động không được đảm bảo. 

Tại nhiều khu nhà trọ, để tiết kiệm diện tích nhằm tăng thêm phòng trọ, các căn nhà trọ được xây dựng san sát, đối diện nhau với khoảng cách phòng đối nhau chỉ khoảng 1m. Trong khi đó, có nhiều phòng trọ chỉ có diện tích từ 12-14 m2 nhưng có tới 4-6 người. Khi xảy ra dịch COVID-19, người lao động không đi làm việc được, 3 tháng liền phải ở trong nhà trọ chật chội, ẩm thấp nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.
 
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để người lao động có thể sở hữu một căn nhà, tuy nhiên do sức ép về dân số, quá trình đô thị hóa nhanh, nhu cầu đất phát triển kinh tế và nhu cầu nhà ở cao do lực lượng lao động nhập cư nhiều làm giá nhà trong tỉnh cao khiến mong muốn sở hữu nhà của người lao động ngày càng khó khăn.

Số lượng nhà ở công nhân cung cấp ra thị trường hiện nay trong tình trạng “muối bỏ biển”. Tại Đồng Nai, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh mới có 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 2.893 căn được hoàn thành, trong khi số lượng công nhân làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp là 1.217.530 người, trong đó đa số là lao động nhập cư vì vậy có nhu cầu về nhà ở rất cao.

Chú thích ảnh
Đại diện người lao động phát biểu. 

Thông qua chương trình đối thoại, các đơn vị sẽ đánh giá việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đặc biệt là các vướng mắc, khó khăn trong giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp.

Đây là cơ sở để các cấp lãnh đạo tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư chỉnh trang, sửa chữa nâng cao chất lượng nhà ở, khu nhà trọ công nhân, người lao động thuê theo quy định về điều kiện tối thiểu (quy mô, diện tích, điều kiện sinh hoạt…) đáp ứng nhu cầu nhà ở và sinh hoạt cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Đối thoại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sau đại dịch COVID-19
Đối thoại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sau đại dịch COVID-19

Ngày 24/12, tại Thái Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), UBND tỉnh Thái Bình và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị “Giải pháp và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sau đại dịch COVID-19”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN