Bên lề Quốc hội, các đại biểu cho rằng đối với giá nhà đất hiện nay không đúng giá trị. Thời gian tới đây, cần tăng nguồn cung bất động sản với giá hợp lý và có những cơ chế, chính sách để kiểm soát việc đầu cơ, lũng đoạn thị trường bất động sản.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Tăng nguồn cung với giá hợp lý
Thị trường bất động sản đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ năm 2013 đến năm 2018 tăng trưởng rất tốt, sau đó trầm lắng và đóng băng.
Mặc dù, thị trường đóng băng nhưng giá vẫn tăng, đặc biệt, cung yếu nhưng nhu cầu về nhà ở phân khúc cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp vẫn tăng cao. Do đó, giá tăng cao, người nghèo khó có khả năng tiếp cận với nhà ở xã hội.
Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách tháo gỡ như gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế gói chính sách này đối với nhà đầu tư cũng như người mua nhà có nhu cầu thực sự khó tiếp cận.
Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách mạnh hơn để hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận vốn thuận lợi cùng các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất…Đồng thời, có sự bảo lãnh của nhà nước, các quỹ bảo lãnh, quỹ tín dụng đối với việc tiếp cận vốn cho các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án. Khi tăng nguồn cung nhà ở với mức giá phù hợp, người lao động mới tiếp cận được và điều này phục vụ tốt cho an sinh xã hội.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Quản lý thị trường bất động sản ổn định, đúng giá trị
Thị trường bất động sản đang có những điểm bất bình thường, đầu cơ trong thị trường bất động sản là khá lớn đã đẩy giá bất động sản lên cao so với giá trị thực tế.
Theo tôi, phải giảm đầu cơ, thao túng giá, thổi giá mới đưa thị trường bất động sản hoạt động bình thường.
Việc điều tiết thị trường bất động sản từ đất đai, nhà ở, các công trình bất động sản để đưa các tài sản này đến đúng địa chỉ có khả năng khai thác, sử dụng chứ không phải trở thành một công cụ phục vụ cho mục tiêu đầu cơ, không tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế.
Bất động sản bị thổi giá lên cao hơn giá trị thực làm cho người dân, những người có nhu cầu thực về sử dụng bất động sản khó tiếp cận. Nếu giải quyết tốt được khâu quản lý thị trường thì đây sẽ là kênh rất tốt để cho người dân có thể tiếp cận theo các nhu cầu khác nhau.
Một hướng khác nữa đó là đối với nhà ở xã hội nên có các sản phẩm có mức giá phù hợp khả năng chi trả của đông đảo người dân, của người lao động. Trước mắt điều này sẽ giải quyết được nhu cầu thực tiễn, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia vào xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho người lao động.
Có nhiều yếu tố mà chưa tạo ra động lực kích thích doanh nghiệp tham gia. Bởi, với doanh nghiệp tham gia, ngoài phần trách nhiệm xã hội thì động lực sâu xa phải là lợi nhuận. Đó là yếu tố đặt ra để thu hút được nguồn lực và doanh nghiệp tham gia với phân khúc này. Bên cạnh đó, cần dành quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội với chi phí thấp chứ không phải là đất quy hoạch.
Tất cả là do thị trường quyết định thị trường nhưng phải là thị trường phát triển một cách ổn định và phản ánh được sát giá trị bất động sản chứ không phải là bị thổi giá lên. Kể cả nhà ở xã hội sau khi qua nhiều người mua rồi quay lại thị trường thì lập tức bị thổi giá lên. Theo tôi, để giải quyết đồng bộ cần quản lý thị trường bất động sản ổn định, đúng giá trị.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Kiểm soát đầu cơ, lũng đoạn thị trường bất động sản
Hiện, giá nhà và đất lên quá cao, sẽ ảnh hưởng đến những người dân lao động và họ khó có thể mua được nhà để ở. Với tình hình hiện nay, nhất là những người công nhân lao động, người nghèo sẽ không bao giờ mua được nhà. Vấn đề là phải lo có thêm được nhà lưu trú cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên, xây thêm nhà ở xã hội, những cái đó phải tập trung nhiều hơn và hình thức cho thuê là cách thức quan trọng nhất đối với người dân hiện nay.
Toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát và được cộng đồng hưởng ứng rất nhiều. Đối với giá nhà đất hiện nay, trong thời gian tới đây những thể chế phải được hoàn thiện để kiểm soát việc đầu cơ, lũng đoạn thị trường bất động sản.