Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV: Muốn tăng tốc phát triển phải đồng bộ hệ thống giao thông

Chiều mai (7/6), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vân tải Nguyễn Văn Thắng sẽ trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội về nhóm vấn đề liên quan hạ tầng giao thông, hoạt động kiểm định, chất lượng phương tiện…

Chú thích ảnh
Đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 đã hoàn thành đẹp như tranh. Ảnh minh họa: Báo Tin tức

Bên lề Kỳ họp, phóng viên TTXVN đã trao đổi với đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) về những băn khoăn, giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu giao thông, nhất là mạng lưới đường bộ cao tốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Theo quan điểm của đại biểu, khi hoàn thành khép kín hệ thống cao tốc Bắc Nam sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế như thế nào?

Rõ ràng, hệ thống giao thông nói chung và hệ thống cao tốc hoàn thành sẽ tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương mà các tuyến đường giao thông đi qua  và những điểm mà các tuyến giao thông kết nối.

Cái này đã được thực tế chứng minh trong thời gian vừa rồi khi địa phương nào hoàn thành được các công trình đường cao tốc kết nối, lập tức thu hút đầu tư, kéo tất cả thị trường như dịch vụ đất đai, du lịch… phát triển theo. Tóm lại, từ hạ tầng giao thông kéo theo sức hút tăng trưởng, tăng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề là cần sớm hoàn thiện hạ tầng, nhất là hệ thống cao tốc để tăng tốc độ phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, thậm chí miền Đông Nam Bộ từng được đề cập là “vùng trắng” cao tốc. Vậy, khi có những dự án cao tốc Bắc - Nam kết nối, đại biểu kỳ vọng gì về sức bật của những địa phương này?

Miền Tây và Tây Nguyên hiện sức sản xuất rất lớn, đặc biệt tiềm năng đất đai, tài nguyên khoáng sản, nông lâm nghiệp rất lớn. Theo đó, một trong những cản trở sự phát triển của khu vực này chính là điều kiện giao thông chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Tại đây, các tuyến đường bộ đã có, nhưng với mật độ dân cư cao như hiện nay, điều kiện để đáp ứng yêu cầu giao thông, thương mại, lưu chuyển vật tư, lưu thông hàng hóa, dịch vụ… chưa bảo đảm. Do vậy việc đầu tư tuyến đường cao tốc ở đây đầu tiên sẽ tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách từ các địa phương của vùng, sau đó dễ dàng kết nối với các trung tâm phát triển của đất nước như Tp. Hồ Chí Minh.

Từ đó giảm các chi phí logistic, tăng cường thu hút đầu tư vào các địa bàn trong khu vực này, hướng tới sử dụng nguồn lực lao động tại chỗ, tránh tình trạng lao động di cư, giảm dân số cơ học ở một số các địa phương. Đây chính là điều kiện để các địa phương này tăng trưởng.

Đại biểu đánh giá như thế nào về việc triển khai các dự án giao thông, nhất là đường cao tốc hiện nay?

Thứ nhất, làm sao để tăng tốc độ giải ngân và triển khai dự án đầu tư đã quy hoạch, đã phát triển. Hiện có những dự án triển khai hàng chục năm với chỉ có mấy chục km mà không xong, tức là dự án bị trì trệ, chậm đưa vào sử dụng. Vì dự án kéo dài nên bị đội vốn và tăng chi phí đầu tư xây dựng, vậy thì làm sao đầu tư dứt điểm, tập trung các nguồn lực để sớm phát huy hiệu quả các công trình, tuyến đường giao thông đầu tư xây dựng.

Vấn đề thứ hai là muốn tăng tốc phát triển phải đồng bộ các lĩnh vực khác để kết nối lĩnh vực giao thông, khi có đường cao tốc rồi phải kết nối với các đầu mối cảng biển, cảng đầu mối, đường sắt kết nối một hệ thống logistic đồng bộ. Như vậy, nguồn lực đầu tư cho giao thông là rất lớn và làm thế nào để có nguồn lực đầu tư cho giao thông là một thách thức hiện nay.

Hầu như nguồn lực này đang trông chờ chủ yếu vào đầu tư công, trong khi nguồn lực ngân sách cũng có mức độ và đã tăng quy mô đầu tư trong thời gian vừa rồi nhưng so với nhu cầu còn quá thấp, đặc biệt là những nhu cầu tới đây để phát triển đường sắt, đường thủy đồng bộ với đường cao tốc.

Theo đại biểu cần có cơ chế, một cú hích nào giúp ngành giao thông có thể hoàn thành được 3.000 km cao tốc vào năm 2026, tức là hết nhiệm kỳ này?

Theo tôi, để hoàn thành mục tiêu này có 2 điểm cần chú ý. Thứ nhất là làm sao tăng huy động đầu tư và trọng tâm hướng tới khu vực ngoài ngân sách, mà ngoài ngân sách bây giờ đi vay nước ngoài cũng rất khó khăn khi chi phí lãi vay lớn. Theo đó, cần xem xét sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo hướng thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào đầu tư các công trình hạ tầng.

Thứ hai một phương án mà Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội và được đồng ý về chủ trương, đó là sẽ bán, hay chuyển nhượng, hay giao quyền thu phí hạ tầng đối với những con đường cao tốc Nhà nước đã đầu tư. Nói gọn, đây là việc ngân sách đầu tư xong mang bán cho tư nhân, tức là Nhà nước đầu tư xong rồi bán, bán lấy nguồn lại tái đầu tư vào công trình khác.

Theo tôi, đây là bài toán sẽ hiệu quả, nhưng vấn đề làm thế nào để thực thi suôn sẻ, để không gặp vướng mắc, sai phạm cũng là vấn đề, vấn đề làm sao phát huy được hiệu quả thực chất. Bởi, tiềm năng như thế, nhưng có đạt được hiệu quả hay không còn là vấn đề khác.

Uyên Hương – Diệp Anh  (TTXVN)
Sẽ vận hành hệ thống giao thông thông minh trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
Sẽ vận hành hệ thống giao thông thông minh trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 11/4, đại diện Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom (mã CK: ELC) cho biết, ELC vừa ký hợp đồng xây dựng  Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transportation System - ITS) với Tập đoàn Sơn Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN