Ngày 4/4 tại Phnôm Pênh (Campuchia) đã diễn ra Phiên họp hẹp và Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 sau hai ngày họp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và có các phát biểu quan trọng tại phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên bế mạc. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Các nhà lãnh đạo cho rằng, ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung ở khu vực, đồng thời phát huy vai trò trung tâm ở khu vực vì các mục tiêu trên, nhất là trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng tác động trực tiếp đến Hiệp hội. Theo đó, ASEAN cần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử, phát huy vai trò và tác dụng của các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh vì hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... Bên cạnh đó, ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên trong khu vực, kể cả các vấn đề an ninh phi truyền thống, đóng góp vào củng cố môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực.
Lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí cần tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN thông qua các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), ARF, ADMM+…; khuyến khích các đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào các mục tiêu chung là hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực, cũng như hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực, phù hợp với lợi ích các nước và đặc thù khu vực.
Tại hội nghị, Tổng thống Mianma đã thông báo sơ bộ về kết quả bầu cử quốc hội bổ sung tại Mianma ngày 1/4 vừa qua. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử; mong muốn Mianma tiếp tục thực hiện Lộ trình 7 bước vì hòa hợp dân tộc, ổn định và phát triển đất nước; khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục hỗ trợ Mianma và kêu gọi dỡ bỏ cấm vận đối với Mianma... Về tình hình Bán đảo Triều Tiên, Hội nghị bày tỏ quan ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, sớm nối lại đàm phán sáu bên, tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó có Nghị quyết 1874.
Về Biển Đông, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC, ASEAN cần thống nhất về các thành tố trong Bộ quy tắc COC, làm cơ sở để ASEAN trao đổi với Trung Quốc.
Tại phiên họp hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu về các nội dung trọng tâm của Hội nghị và có những đề xuất quan trọng, tập trung vào các vấn đề khu vực cùng quan tâm; Biển Đông; hợp tác tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng sông Mê Công; tăng cường vai trò của ASEAN ứng phó với các thách thức đang đặt ra như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh biển, đề nghị ASEAN sớm xây dựng một Tuyên bố về an ninh nguồn nước ở khu vực; về tăng cường các quan hệ đối ngoại của ASEAN và Đối thoại toàn cầu ASEAN.
Về tăng cường các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung ở khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là vấn đề quan trọng và nhiệm vụ ưu tiên bao trùm của ASEAN; do đó, cùng với các nỗ lực xây dựng Cộng đồng và tăng cường liên kết, ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm và đóng góp tích cực vào việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, phục vụ cho hợp tác và phát triển, nhất là phát huy mạnh mẽ các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có ở khu vực. Đồng thời, ASEAN cần chủ động định hướng xây dựng cấu trúc hợp tác khu vực, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, phù hợp với mục tiêu ưu tiên của ASEAN và đặc thù của khu vực; khuyến khích các đối tác gắn kết và đóng góp xây dựng vào các mục tiêu chung, cũng như hợp tác ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra, trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng bố, an ninh an toàn hàng hải...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao việc ASEAN tăng cường hợp tác phát triển tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mê Công; việc khai thác, sử dụng nguồn nước Mê Công cần phải bảo đảm hợp lý, bền vững, vì lợi ích của dân cư và sự phát triển bền vững của các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn. Để đáp ứng yêu cầu này, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của các nước thuộc lưu vực sông Mê Công, trong đó có việc phối hợp nghiên cứu đánh giá một cách tổng thể, khoa học các tác động đến nguồn nước, môi trường sống của việc khai thác, sử dụng nguồn nước Mê Công.
Đề cập về một số vấn đề khu vực cùng quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, thịnh vượng và không có vũ khí hạt nhân; bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gần đây ở Bán đảo Triều Tiên, kêu gọi các bên cần tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ, trong đó có Nghị quyết 1874; mong các bên liên quan tiếp tục kiềm chế, đối thoại giải quyết các bất đồng, sớm nối lại đàm phán sáu bên; hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử quốc hội bổ sung vừa qua ở Mianma và đề nghị các nước ASEAN cần tích cực phối hợp, hỗ trợ Mianma hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN 2014; nhất trí cao việc ASEAN có tuyên bố yêu cầu xóa bỏ cấm vận Mianma; hỗ trợ Mianma mở rộng hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Về Biển Đông, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ASEAN đã nhất trí rằng hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn hàng hải là lợi ích và quan tâm chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; bảo đảm tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC. ASEAN cần tiếp tục duy trì tiếng nói chung này, nhất quán, thể hiện vai trò xây dựng và chủ đạo của mình vì mục tiêu hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. Hoan nghênh những tiến triển mới đây, trong đó có việc thông qua bản Quy tắc Hướng dẫn thực hiện DOC; đề nghị ASEAN sớm thống nhất về các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở đối thoại với Trung Quốc.
Về một số thách thức an ninh phi truyền thống, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng an ninh và an toàn hàng hải tiếp tục là quan tâm lớn của khu vực và thế giới. ASEAN đã có những bước đi thực tế nhằm định hướng và thúc đẩy hợp tác tăng cường an ninh biển ở khu vực, trong đó có việc lập Diễn đàn Biển ASEAN; nhất trí việc mở rộng Diễn đàn này với sự tham gia của các đối tác Đông Á, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm. Năm 2010, ASEAN đã thông qua Tuyên bố về hợp tác tìm kiếm và cứu trợ người và tàu thuyền bị nạn trên biển; ASEAN cần đẩy mạnh triển khai Tuyên bố này. Cần đẩy mạnh triển khai các chương trình hợp tác về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có Kế hoạch công tác thực hiện Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp giai đoạn 2010-2015, Chương trình hành động ASEAN về Biến đổi khí hậu đến 2020 và Sáng kiến ASEAN về Biến đổi khí hậu (ACCI); hoạt động hiệu quả Trung tâm Điều phối Hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA)…
Cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, các tình trạng như suy thoái môi trường, nạn phá rừng, biến đổi khí hậu… đã tác động tiêu cực tới việc bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững, cũng như việc bảo đảm an ninh lương thực, đời sống nhân dân; đề nghị giao các Bộ trưởng bàn bạc để hướng tới xây dựng một Tuyên bố của ASEAN về vấn đề an ninh nguồn nước rất quan trọng này.