Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi tham gia bảo hiểm

Chiều 27/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020. Bên lề Kỳ họp, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã trao đổi một số ý kiến về vấn đề trên.

Cần sửa đổi Luật để thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chú thích ảnh
Đại biểu Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Tĩnh trao đổi ý kiến về thực hiện chính sách BHXH. Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN

Đại biểu Trần Đình Gia, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận, tham gia, thụ hưởng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị sửa đổi một số quy định của Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo sự tương đồng, thống nhất giữa chế độ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; đồng thời thu hút thêm người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo đó, quy định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 20 năm nếu mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì nâng lên bằng mức lương cơ sở như người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người có 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu chết mà có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng cũng không được giải quyết tuất hàng tháng như người có 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nữ từ đủ 45 tuổi trở lên, nam từ đủ 50 tuổi trở lên, đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm, hiện tại một số sức khỏe rất yếu, nhưng không được đi giám định để nghỉ hưu. Trong khi những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với những điều kiện tuổi đời như trên thì được đi giám định khả năng lao động để nghỉ hưu trước tuổi.

Cũng theo đại biểu Trần Đình Gia, Chính phủ cần nghiên cứu tăng mức hỗ trợ đóng cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đạt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra; khuyến khích các địa phương có cơ chế hỗ trợ thêm một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hiện nay, số lượng người lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài khá cao (riêng Hà Tĩnh hơn 74.000 người) nhưng chưa thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì vậy, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể và quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan để sớm thực hiện nội dung “người lao động là công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng tham gia tăng mức hỗ trợ đóng cho người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện bắt buộc” theo quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đồng thời, đề nghị xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu về tính toán độ bao phủ phù hợp thực tế.

Nhận định về tình trạng thanh toán bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng qua các năm, đại biểu đề nghị cần có giải pháp tuyên truyền và chỉ đạo kịp thời, hạn chế tình trạng trên; đồng thời cần có chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn trong đại dịch COVID-19 đóng bảo hiểm xã hội.

Điều chỉnh định mức khoán kinh phí bảo hiểm y tế phù hợp với thực tiễn

Chú thích ảnh
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị một số chính sách liên quan đến Bảo hiểm y tế. Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN

Quan tâm đến tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, người nước ngoài học tập tại Việt Nam nhưng không có học bổng từ ngân sách nhà nước Việt Nam thì không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế tại Việt Nam. Vì vậy, khi đối tượng này ốm đau sẽ khó khăn trong quá trình khám, chữa bệnh và hạn chế việc thu hút du học sinh nước ngoài sang Việt Nam học tập. Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị bổ sung đối tượng này vào nhóm bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế tại Việt Nam.

Nêu thực tế về việc công tác thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, theo đại biểu Thu, Bộ Y tế cần kịp thời hướng dẫn về cách tính chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh tăng/giảm của năm quyết toán so với năm trước liền kề theo quy định tại Điều 24 của Nghị định 146/2018/NĐ-CP và hướng dẫn phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo nhóm chẩn đoán; có giải pháp xử lý kịp thời các khoản chi phí khám, chữa bệnh vượt trần những năm 2020 về trước, tạo điều kiện cho các cơ sở khám bệnh hoạt động.

Đánh giá vấn đề định mức khoán kinh phí bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh được tính từ năm 2019 làm căn cứ đến nay đã không còn phù hợp, khiến nhiều cơ sở khám, chữa bệnh gặp khó khăn, nhất là trong đại dịch COVID-19, cơ cấu bệnh nhân thay đổi, chủ yếu là người có bệnh nặng mới đến điều trị nên chi phí cho mỗi bệnh nhân rất lớn, kinh phí bảo hiểm y tế không đủ, vì vậy, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị có sự điều chỉnh định mức khoán kinh phí bảo hiểm y tế phù hợp với thực tiễn.

Hoàng Ngà (TTXVN)
Quốc hội thảo luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù tại 4 tỉnh, thành phố
Quốc hội thảo luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù tại 4 tỉnh, thành phố

Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 27/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN