Tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đại diện lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công an, Hội Nhà báo Việt Nam…
Giải thưởng “Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông” là hoạt động thường niên, được tổ chức từ năm 2012 đến nay. Đây là hoạt động góp phần nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông trên báo chí; qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp chính quyền trong công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, giải thưởng “Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông” năm 2020 thu hút 502 tác phẩm của 39 cơ quan báo chí cả nước tham gia. Ủy ban đã chọn và trao 32 giải thưởng cá nhân, gồm 2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 10 giải Ba và 15 giải Khuyến khích cho các tác phẩm báo in và báo điện tử. Hai giải Nhất thuộc về loạt bài: “Cần xốc lại việc thực hiện Nghị định 100” của báo Tuổi trẻ Thủ đô và “Thả nổi chất lượng mũ bảo hiểm, ai chịu trách nhiệm?” của báo Giao thông. Ba giải tập thể đồng hạng cho 3 cơ quan báo chí có bài dự thi nhiều nhất là: báo Giao thông, Kinh tế và Đô thị và tạp chí Giao thông vận tải.
Trong số các tác phẩm tham dự giải thưởng, có nhiều loạt bài dài kỳ, được dày công thực hiện, nhiều loạt bài thông tin đa chiều, làm sâu, đi đến tận cùng vấn đề và có tính gợi mở. Điều này cho thấy việc truyền thông về công tác bảo đảm an toàn giao thông không chỉ được các báo chú trọng thông tin bề nổi mà đã chuyển sang chiều sâu để thông tin một cách đa chiều, chuyển tải hàm lượng thông tin chuyên môn sâu hơn để từ đó đề xuất, gợi mở được những biện pháp, giải pháp hiệu quả, sát thực hơn với thực tiễn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Nhiều loạt bài dài kỳ, bám đuổi đến cùng vấn đề, thông tin đa chiều với những phân tích chuyên sâu của chuyên gia, lực lượng chức năng, đã góp phần kiến giải những vấn đề nóng và gợi mở, đề xuất các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bám sát chủ đề của Năm An toàn giao thông 2020 là “Đã uống rượu bia không lái xe”, đã có hàng trăm bài viết ủng hộ, đồng thuận với việc tăng cao mức xử phạt với hành vi có nồng độ cồn khi lái xe được quy định trong Nghị định 100/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), cấm tuyệt đối uống rượu, bia khi lái xe và hoạt động kiểm soát xử phạt nghiêm của lực lượng chức năng.
Năm nay, báo chí vẫn tiếp tục dành nhiều thời lượng cho các bài viết nêu các gương sáng về cứu hộ, cứu nạn, tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với người không may bị tai nạn giao thông, nhiều tác phẩm dự thi lấy được nước mắt của người đọc. Bằng những câu chuyện, cách kể đi vào lòng người, báo chí đã và đang mỗi ngày thay đổi nhận thức và văn hóa giao thông của người dân.
Ghi nhận, biểu dương đóng góp của các cơ quan báo chí, những người làm báo nói chung và các nhà báo trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng, góp phần quan trọng trong việc kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2020 và 5 năm qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, tác phẩm báo chí đã biến những quy định pháp luật vốn dĩ khô khan, khó hiểu thành những thông điệp dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm theo, giúp cho bạn đọc và đông đảo nhân dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, dần hình thành văn hóa giao thông trong toàn xã hội.
Phó Thủ tướng lưu ý, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với nhu cầu giao thông và số phương tiện tiếp tục gia tăng, trong điều kiện năng lực kết cấu hạ tầng còn hạn chế, tạo ra những thách thức to lớn cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn, hiệu quả hơn thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chính thức phát động Giải thưởng báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải và hoạt động thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; phấn đấu giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2020.