Băn khoăn khi đưa cơ chế giá thay cho “thủy lợi phí”

Cần đánh giá tác động của việc thay “thủy lợi phí” bằng “giá dịch vụ thủy lợi”, lộ trình nếu thực hiện, đánh giá tính khả thi... là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra khi góp ý cho dự án Luật Thủy lợi trong phiên khai mạc phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 12/9.

Dự thảo Luật Thủy lợi gồm 9 chương, 72 điều. Theo tờ trình Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, một trong những lý do trình dự án luật này là, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi năm 1994 và được điều chỉnh năm 2001. Cùng với các văn bản pháp luật liên quan, Pháp lệnh đã cơ bản đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý trong hoạt động thủy lợi, phục vụ hiệu quả sản xuất, dân sinh, góp phần phát triển bền vững kinh tế- xã hội.


Tuy vậy, qua triển khai hệ thống các văn bản đã bộc lộ bất cập. Trong đó, về nguồn lực để phát triển thủy lợi phí hiện nay chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa phát huy trách nhiệm và sự tham gia của người dân, người sử dụng nước cũng như khu vực tư nhân. Vì vậy cần bổ sung chính sách huy động nguồn lực của xã hội trong đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi, trong đó có việc bỏ khái niệm “thủy lợi phí” và đưa ra nguyên tắc để xác định giá đối với dịch vụ thủy lợi là cần thiết.


Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, cũng cho biết, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu “thủy lợi phí” tại Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi sang “giá dịch vụ thủy lợi”. Việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm.


Tuy nhiên, việc dự thảo luật quy định việc chuyển đổi cơ chế này khiến nhiều đại biểu băn khoăn: lộ trình áp dụng giá dịch vụ thủy lợi thế nào, đánh giá về sự ủng hộ của nhân dân khi tính giá dịch vụ thủy lợi được thực hiện ra sao. Đặc biệt là việc chuyển sang cơ chế giá này có khả thi không?


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, đưa ra vấn đề giá dịch vụ thủy lợi “sẽ là cuộc cách mạng ở nông thôn”. Nhưng, “Hiện nay tổng chi phí cho nông nghiệp của nông dân rất cao, lời chỉ ở ông bán lúa, bán gạo. Khi đặt vấn đề này cần phải nhìn nhận lợi ích của người dân chứ không chỉ là tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước. Vì thực tế nông dân cấy lúa không có lãi”, đại biểu Phan Thanh Bình khẳng định.


Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đặt vấn đề, nếu đã tính đến giá dịch vụ thủy lợi thì người dân có quyền chọn trồng cây gì hay không vì điều này liên quan đến việc mua nước, sử dụng nước. Người dân đã bỏ tiền ra làm hạ tầng (ở đầu cuối) cho công tác thủy lợi, nay lại phải trả giá dịch vụ thủy lợi thì có hoàn lại chi phí này không? “Trách nhiệm của cơ quan làm dịch vụ khi có hạn hán, lũ lụt thì thế nào? Bây giờ anh làm dịch vụ thì phải tính đến chứ không chỉ cứ “nhờ giời””, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.


Liên quan đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cần đánh giá tác động kỹ Điều 38 của dự thảo luật. Nếu thực hiện thì trên 80% hộ nông dân, nhất là nông dân tại khu vực miền núi đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo sẽ không được hưởng lợi. Dự thảo luật cũng nhằm khuyến khích xã hội hóa thực hiện các công trình thủy lợi, nhưng cũng nên bổ sung cơ chế chính sách về đất đai, để họ cung cấp dịch vụ thấp hơn thực tế.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cũng thừa nhận, nếu người dân phải trả tiền nước trong hoạt động nông nghiệp theo cơ chế giá thì “chúng tôi cũng rất băn khoăn”, nhưng thời gian qua, khi vận động nhân dân làm nông thôn mới người dân đã hiến rất nhiều đất khi xây dựng nông thôn mới. Nên nếu thực hiện cơ chế này thì chính sách của nhà nước phải đi rất sát.


Để đạt hiệu quả trong việc sử dụng các công trình thủy lợi, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy cũng đặt vấn đề “hiện vấn đề bức xúc nhất là quản lý công trình thủy lợi, chỉ cần mấy mét vuông đất ở các công trình thủy lợi thì giá trị rất cao rồi”. Vì vậy cần làm rõ phân cấp quản lý công trình; các bộ, ngành phải có trách nhiệm khi khai thác công trình chứ không chỉ có ngành nông nghiệp. Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng đề xuất, dự thảo luật cần quy định rõ các nội dung như: chủ thể cung cấp dịc vụ thủy lợi được thu tiền, các loại hình dịch vụ; bổ sung các loại dịch vụ về kiểm soát lũ cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, khu dân cư tập trung; vận chuyển ghe, thuyền qua công trình thủy lợi; tiêu thoát nước chống úng ngập; mua bán định mức sử dụng nước ... để tránh chồng chéo hoặc bỏ sót.

Xuân Phong
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN