60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển:

Bản anh hùng ca về ý chí, sức sáng tạo của con người Việt Nam 

Đường Hồ Chí Minh trên biển mang tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn, để lại nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đường Hồ Chí Minh trên biển - một chiến công xuất sắc, bản anh hùng ca về ý chí, sức sáng tạo của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh...

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng phát biểu chào mừng Hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển, ngày 19/10/2021. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Nơi khởi nguồn con đường Hồ Chí Minh trên biển 

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang chia sẻ, Hải Phòng là thành phố Cảng có bờ biển dài trên 125km, vùng biển rộng khoảng 4.000km2 với hơn 300 đảo lớn nhỏ, trong đó các đảo Cát Bà, Long Châu, Bạch Long Vĩ có vị trí rất quan trọng trong Vịnh Bắc Bộ. Với vị trí có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước và những tiềm năng, lợi thế về biển, Hải Phòng được Bộ Chính trị xác định là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng trong chiến lược "hai hành lang, một vành đai kinh tế", một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. 

Hải Phòng nằm trong khu vực hướng phòng thủ chiến lược của Quân khu 3, lá chắn vững chắc của Thủ đô Hà Nội và là mục tiêu trọng yếu trong chiến tranh xâm lược cũng như thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch... Hải Phòng đã từng in đậm dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm với ba trận thủy chiến diễn ra trên sông Bạch Đằng. 

Những "con tàu không số" xuất phát từ bến K15 - vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức trước sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng này vừa làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện, phục vụ chiến đấu, vừa trực tiếp chiến đấu trên hướng biển, góp phần giải phóng các đảo Trường Sa, Phú Quốc, Thổ Chu...

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, mưu trí, linh hoạt, vạch "đường mà đi" tìm "bến mà đến" và tinh thần dũng cảm, quật cường, những "con tàu không số" đã chi viện vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men đến địa bàn ven biển trọng yếu, nơi mà sự chi viện bằng tuyến bộ chưa vươn tới, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Tự hào là nơi khởi nguồn con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của thành phố Cảng "Trung dũng - Quyết thắng", những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hải Phòng luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, một số chỉ tiêu dẫn đầu cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố được cải thiện mạnh mẽ, thu hút một nguồn lực lớn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Hải Phòng.

Đặc biệt, thành phố đang tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền biển đảo, giáo dục truyền thống yêu nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, nhất là những sự kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa sâu rộng làm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, vị trí của biển, đảo đối với sự phát triển bền vững của Hải Phòng, của đất nước, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, trong khai thác tiềm năng của biển, đảo phục vụ nhu cầu, lợi ích cuộc sống. Qua đó, giáo dục nâng cao nhận thức về thời cơ, thách thức của đất nước, của thành phố xung quanh vấn đề bảo vệ chủ quyền, quản lý, sử dụng, khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế biển, đảo. 

Nhân chứng lịch sử

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Đại tá Bùi Tư, nguyên Báo vụ tàu 676, nguyên Chính ủy Vùng 1 Hải quân xúc động nhớ lại vị thuyền trưởng và những chuyến đi trên con đường huyền thoại. Đối với con đường chi viện cho chiến trường miền Nam - đường Hồ Chí Minh trên biển, dường như mỗi chuyến đi là một kỷ niệm. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên tàu không những có đủ quyết tâm, trình độ chuyên môn hoàn thành vị trí công tác của mình mà còn là anh em thân thiết, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách để cùng toàn tàu hoàn thành nhiệm vụ. 

Với Đại tá Bùi Tư, chuyến đi của tàu 42 vào tháng 10/1965 tới bến Cà Mau và người thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng (chú Bảy Cứng) để lại những ký ức không thể nào quên. Ông chậm rãi kể, sau Tết năm 1965, ông được điều từ tàu 68 sang tàu 42 làm Báo vụ 2 cho anh Doãn Hồng Hiệp. Thuyền trưởng là chú Nguyễn Văn Cứng, Chính trị viên là anh Trần Ngọc Ẩn, 2 thuyền phó là anh Thanh và chú Tạo. Cả tàu có 16 người, cao tuổi nhất là chú Ba Sang - Máy trưởng. 

Để chuẩn bị cho chuyến đi sau này, cấp trên bố trí cho Đội 42 nhận tàu 210 chở mấy tấn gạo với nhiệm vụ công khai là chở gạo cho đảo nhưng thực tế là chuyến đi trinh sát ở Biển Đông. Cùng đi có các đồng chí ở Bộ Tổng Tham mưu và máy móc để làm việc mà Đại tá Bùi Tư cũng như các thành viên trên tàu không được hỏi tới. Thời gian đi biển 4 ngày và cả tàu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyến đi. Sau đó, Đại tá Bùi Tư và đồng đội lại bàn giao tàu cho Đội 210. Đến tháng 8/1965, Đội 42 nhận lại tàu của mình đã sửa chữa xong để chuẩn bị cho chuyến đi mới...

Đại tá Bùi Tư tiếp mạch kể, "tối 11/10, tàu về bến K15, thủ trưởng Đoàn và 4 cơ quan xuống tàu động viên, cùng làm công tác chuẩn bị với tàu. Đêm đầu, tàu nhận thực phẩm, vật tư cho chuyến đi, cá nhân giao nhận quân tư trang, tàu bổ sung dầu, nước. Khoảng 23 giờ, tàu rời K15 ra khu trú đậu. Đến 21 giờ ngày hôm sau, tàu đã cập cảng K15, nhiều xe chở hàng đã đậu sẵn trên bờ. Các đồng chí làm nhiệm vụ nhanh chóng xuống hàng, chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ, hầm hàng 2 đã đầy, tàu tiếp tục rời cảng. Cũng như 2 đêm trước, tàu vào bến nhận tiếp hàng ở kho hầm hàng 1... và mọi người bất ngờ khi xuống hầm hàng nhận 2 quả thủy lôi xuống tàu (là quà tặng của Quân chủng Hải quân cho chiến trường Nam Bộ), sau đó xếp tiếp một số hàng với đồ đầy khoang. Đêm nay, chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ là xong hàng. Trước khi tàu rời bến, thủ trưởng Đoàn gặp mặt cán bộ, chiến sĩ toàn tàu động viên và nêu rõ ý nghĩa của chuyến đi...".

Về chuyến đi này của tàu 42, lịch sử Đoàn 125 đã ghi: "Sau 8 tháng vắng bóng những con tàu của Đoàn 125, hôm nay cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962 Quân khu 9 phấn khởi, vui mừng đón tàu 42 chở vũ khí trở vào. Vậy là, con đường vận chuyển trên con đường biển lại thông, tiếp tục chi viện cho chiến trường, mang theo vũ khí và tấm lòng của hậu phương lớn đến với tiền tuyến để cùng đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược... Chuyến đi của tàu 42 vào rạch Kiến Vàng (Cà Mau) thành công, ngoài chuyên chở vũ khí cho miền Tây Nam Bộ còn thu được nhiều tin tức quan trọng về quy luật hoạt động của địch trên biển, ngoài khơi cũng như trong bờ, tạo cơ sở cho Đoàn 125 rút ra những đối sách cần thiết trên đường đi...".

Ghi nhận thành tích của tàu 42, tháng 8/1970, Nhà nước đã tuyên dương tàu 42 danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân. Năm 2005, thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân.

Bản anh hùng ca về ý chí, sức sáng tạo

Chú thích ảnh
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Tại Hội thảo khoa học "Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc" vừa diễn ra tại thành phố Hải Phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nêu rõ, cách đây 60 năm, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 759, mở tuyến vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển tạo nên nét đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Còn nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thành công của đường Hồ Chí Minh trên biển còn thể hiện ở tầm nhìn chiến lược của Đảng trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến. Bởi, cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển tạo nên hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giải quyết nhu cầu của hai hướng chiến lược của chiến trường Nam Bộ (cánh Đông và cánh Tây). Mỗi tuyến vận tải chiến lược có vị trí, vai trò khá độc lập, nhưng đặt trong tổng thể, đã tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch chủ đạo và hoàn chỉnh để chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng quân thù. Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sinh động quyết tâm chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vì mục tiêu: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên cho rằng, lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vốn đã đầy ắp những con số, sự kiện nhưng nó càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong đó chứa đựng những kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển. Những trang sử hào hùng của đường Hồ Chí Minh trên biển được tạo nên bởi nhiều yếu tố nhưng yếu quan trọng nhất là tầm nhìn chiến lược của Đảng. Bởi Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhận định, đánh giá đúng tình hình và quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển mà sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, sáng tạo của Đảng và Quân ủy Trung ương đã tạo tiền đề để đường Hồ Chí Minh trên biển và những cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân giao phó, góp phần vào ngày toàn thắng của dân tộc, kết thúc sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời gian đã lùi xa nhưng tầm nhìn chiến lược của Đảng trong xây dựng, phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển cách đây 60 năm vẫn là dấu ấn không thể phai mờ, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hôm nay và mai sau. 

"60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển là một cơ hội quý để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống thành phố Cảng "Trung dũng - Quyết thắng", truyền thống kiên cường, dũng cảm, không ngại gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trên những "con tàu không số" năm xưa. Những truyền thống tốt đẹp đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới", Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang nói. 

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển
Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Tuyến vận tải chiến lược trên biển - đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại, một kỳ tích của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN