Phát biểu chính sách tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ) tháng 9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023 đã xác định rõ 10 trụ cột hợp tác toàn diện và quan trọng. Nhiệm vụ của chúng ta là quyết tâm hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác đó, nhất là các lĩnh vực đóng vai trò nền tảng cốt lõi như hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo và đột phá mới của quan hệ như hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số.
Nỗ lực hiện thực hóa các nội hàm của quan hệ hợp tác
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phức tạp, các tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước đóng vai trò thiết yếu nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố cam kết cùng hướng tới lợi ích chung về hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Trong ba tháng qua, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có hai cuộc điện đàm quan trọng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Ngay sau khi Hoa Kỳ ra thông báo về thuế quan, tối 4/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump. Tổng Bí thư là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên điện đàm trao đổi với Tổng thống Donald Trump ngay sau khi công bố được đưa ra. Ngay tuần sau đó, một đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã đến Washington để gặp các đối tác.
Tối 2/7 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đàm phán thuế đối ứng giữa hai nước. Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp của quan hệ song phương. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, việc các nhà lãnh đạo hai nước tích cực tiếp xúc cấp cao thể hiện chất lượng của quan hệ song phương và sự tôn trọng của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam, mong muốn mạnh mẽ của hai bên trong việc đảm bảo mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp, có lợi cho người dân hai nước.
“Đây không chỉ là biểu hiện của sự coi trọng lẫn nhau mà còn phản ánh chiều sâu của mối quan hệ đối ngoại dựa trên sự tin cậy chiến lược. Trong các cuộc trao đổi, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh vai trò của hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ trên bình diện song phương mà còn trong việc duy trì ổn định khu vực và toàn cầu”, Đại sứ nhận định.
Trong thời gian tới, việc duy trì đà tiếp xúc cấp cao, cùng với các cơ chế hợp tác song phương thiết thực, sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để hai nước cùng nhau vượt qua khác biệt, xây dựng lòng tin chiến lược và hiện thực hóa các nội hàm cụ thể của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Tăng cường trụ cột thương mại - đầu tư
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu và Hoa Kỳ của Công ty TNHH Seyoung Inc tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Quan hệ thương mại - đầu tư đang ngày càng trở thành một trong những trụ cột quan trọng và thực chất nhất trong tổng thể quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trong ba thập kỷ kể từ khi bình thường hóa quan hệ, hợp tác kinh tế hai nước đã có bước phát triển vượt bậc, phản ánh rõ qua quy mô thương mại song phương không ngừng gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp ngày càng sâu rộng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương, năm 1995, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ chỉ ở mức khiêm tốn dưới 500 triệu USD. Đến năm 2023, con số này đã vượt 124 tỷ USD; trong năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 300 lần so với năm 1995, đạt gần 150 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ gồm: dệt may, đồ gỗ, điện tử, máy móc, giày dép và nông sản. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng tích cực, bao gồm: máy móc, thiết bị điện tử; thiết bị thu âm, thu hình; giày dép; sản phẩm da; túi xách, ví, ô dù; nhựa và sản phẩm nhựa; đồ chơi, trò chơi và dụng cụ thể thao. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, trong đó có máy bay, thiết bị và phụ tùng; hóa chất; nhựa và sản phẩm nhựa.
Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Tính đến giữa năm 2024, Hoa Kỳ có hơn 1.300 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 11,8 tỷ USD, xếp thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Đặc biệt, các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ như Intel, Apple, GE, Boeing, Google, Amkor, AES... đang mở rộng hiện diện tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhà máy của Intel tại KCN cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát
Theo Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Việt Nam hiện đang đứng trước một “cửa sổ cơ hội chiến lược” để gia nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bối cảnh địa chính trị biến động, cùng với chính sách tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, đang mở ra cơ hội chưa từng có cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Việc nhiều tập đoàn lớn như Apple, Google, HP đã và đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam là những ví dụ cho thấy điều đó.
Nhận định về xu hướng hợp tác thương mại - đầu tư hai nước thời gian tới, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, không gian hợp tác phát triển giữa hai nước còn rất nhiều. Điều đó cũng cho thấy trong quá trình đổi mới và hội nhập, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tăng lên rất nhiều. Quan hệ thương mại tăng cường mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ, cho người dân hai nước.
Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ tướng, việc duy trì môi trường đầu tư cởi mở, minh bạch và các cơ chế đối thoại kinh tế hiệu quả sẽ là điều kiện then chốt để khai thác hết tiềm năng hợp tác hai bên trong giai đoạn mới.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng cho rằng, còn rất nhiều dư địa của hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và ngược lại. Hai nước bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh hoàn toàn. Việt Nam có nhiều lợi thế khác, có hơn 100 triệu dân, chi phí nhân công hợp lý, cuộc cải cách lần hai đang diễn ra sôi động. Việt Nam, với cải cách nội tại, đang có nhiều cơ hội hơn là thách thức. Đây là cơ hội đột phá để Việt Nam tăng cường nội lực.
Mở rộng lĩnh vực hợp tác
Trên nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực chiến lược mới như công nghệ cao, năng lượng sạch.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, Việt Nam nên tranh thủ hợp tác nhiều hơn với Hoa Kỳ về đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ. Nội dung này đã được nêu trong Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược toàn diện. Trong thời gian tới, hai bên cần phải tranh thủ hơn khía cạnh này. “Việt Nam không chỉ cần nâng cao năng lực về khung pháp lý, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực mà còn phải tham gia được vào các chuỗi cung ứng của những tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, để chúng ta có thể tranh thủ những công nghệ đó”, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Trong khi đó, Đại sứ Marc Knapper khẳng định Hoa Kỳ muốn đảm bảo rằng Việt Nam có thể phát triển tiềm năng của mình, trở thành một trung tâm bán dẫn khu vực và toàn cầu, nơi tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam sẽ được phát huy một cách đầy đủ. Đây là điều mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận thấy và là lý do vì sao các lãnh đạo công nghệ đến thăm Việt Nam. Năm ngoái, CEO Apple Tim Cook đã đến Việt Nam, Jensen Huang của Nvidia thăm Việt Nam thường xuyên.
“Chúng ta sẽ càng ngày càng chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác như thế này vì chúng tôi, Chính phủ Hoa Kỳ, các công ty Hoa Kỳ, các cơ sở học thuật Hoa Kỳ đều muốn trở thành một phần trong tương lai công nghệ cao của Việt Nam”, Đại sứ cho biết.
Cùng với lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực năng lượng cũng là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa hai nước. Với vai trò là doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư tại Việt Nam, ông Olivier Marquette - Chủ tịch AES Việt Nam cho biết, một trong những dự án lớn của AES tại Việt Nam là xây dựng và vận hành nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 với tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD. AES cũng đang phát triển các dự án điện khí hóa lỏng tại Việt Nam.
Chủ tịch AES Việt Nam nhấn mạnh và kỳ vọng rằng, các dự án về điện khí hóa lỏng tại Việt Nam của AES sẽ góp phần giúp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước...
Tính đến tháng 7/2025, sau 30 năm bình thường hóa quan hệ, hai nước đã xây dựng được khuôn khổ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, an ninh, giáo dục, đến khoa học – công nghệ và giao lưu nhân dân. Đánh giá cao sự phát triển của quan hệ song phương trong 30 năm qua, tại cuộc tiếp Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Steven David Daines vào tháng 3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là hình mẫu trong quan hệ quốc tế.
Ba thập kỷ qua đã chứng minh: “Gác lại quá khứ - hướng đến tương lai” không phải là khẩu hiệu, mà là kim chỉ nam cho hành động. Việt Nam và Hoa Kỳ bằng sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau đang viết tiếp chương mới của mối quan hệ hợp tác lâu dài, vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
(Hết)