Đơn thuốc điều trị ngoại trú của trẻ dưới 72 tháng phải ghi thông tin của bố mẹ
Thông tư 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.
Chăm sóc điều trị cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo đó, nội dung kê đơn thuốc phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong Đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh. Trong đơn thuốc ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú: số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố.
Đơn thuốc điều trị ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
Cũng theo Thông tư này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pha chế, cấp thuốc lưu đơn thuốc, thời gian lưu 1 năm kể từ ngày kê đơn đối với tất cả thuốc thuộc trường hợp phải kê đơn. Cơ sở pha chế, cấp, bán lẻ thuốc cũng lưu đơn thuốc có kê thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút trong thời gian 1 năm, kể từ ngày kê đơn.
Việc lưu đơn có thể thực hiện một trong các hình thức sau đây: Lưu bản chính hoặc bản sao đơn thuốc; Lưu thông tin về đơn thuốc bao gồm: tên và địa chỉ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, họ và tên của người kê đơn thuốc, họ và tên của người bệnh, địa chỉ thường trú của người bệnh, tên thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút, hàm lượng, số lượng, liều dùng, đường dùng.
Khuyến mại không quá 20% với thuê bao di động trả trước
Đây là nội dung đáng chú ý của Thông tư 47/2017/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.
Theo đó, các nhà mạng chỉ được khuyến mãi cho thuê bao di động trả trước với mức khuyến mại tối đa 20%, như vậy thuê bao trả trước không còn được hưởng mức khuyến mại 50% nữa.
Thuê bao trả sau vẫn được nhận khuyến mại không quá 50% như quy định hiện hành.
Thông tư 47/2017/TT-BTTTT thay thế các quy định về hạn mức khuyến mại tại các khoản 9, khoản 10 Điều 5; khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 8; khoản 2 Điều 9 và Điều 10 Thông tư 11/2010/TT-BTTTT.
Bệnh viện phát thuốc hàng ngày, bệnh nhân phải ký nhận
Đây là nội dung quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Khám sứa khỏe và lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Cụ thể, bệnh viện phải công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người bệnh điều trị nội trú bằng cách thông báo cho người bệnh trước khi dùng thuốc, đồng thời yêu cầu người bệnh hoặc người thân ký nhận vào Phiếu công khai dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú hàng ngày. Phiếu này được kẹp đầu giường bệnh hoặc cuối giường bệnh.
Trường hợp chuyển tuyến, bệnh viện phải chuyển các phim chẩn đoán hình ảnh kèm theo các giấy, phiếu chuyển viện. Bác sỹ nơi chuyển người bệnh đi có trách nhiệm ký vào tờ photocopy của bản trả lời kết quả gửi đi đồng thời ghi thông tin về việc đã chuyển phim vào trong các phiếu yêu cầu thực hiện chẩn đoán hình ảnh tương ứng với phim được chuyển và lưu cùng hồ sơ bệnh án.
Thông tư này được ban hành ngày 29/12/2017, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.