ASEAN và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Ngày 26/5, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Tổ chức Konrad Adenauer Stiftung (Cộng hoà Liên bang Đức) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “ASEAN và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã phân tích các tác động khác nhau của dịch COVID-19 đối với các quốc gia trong ASEAN, cách đối phó với dịch bệnh của các nước, việc hợp tác ASEAN trong ứng phó với dịch bệnh. Từ đó, các đại biểu thảo luận về các đề xuất, gợi ý về chính sách ứng phó với dịch COVID-19 của các quốc gia trong khu vực.

Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến các khu vực khác nhau trên thế giới, không chỉ là mối đe dọa về sức khoẻ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của cuộc sống. Sự bùng phát và lây lan của dịch COVID-19 đã buộc các nước phải dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Ảnh tư liệu: Thống Nhất/TTXVN

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chia sẻ: Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 mới của ASEAN vào tháng 4 và tháng 5/2021, Indonesia, Malaysia, Philippines là những quốc gia thuộc ASEAN bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày; Thái Lan đã vượt 100.000 ca mắc; Lào, Campuchia, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với đợt dịch dữ dội nhất cho đến thời điểm này. Trong bối cảnh đó các quốc gia đang thắt chặt hơn việc kiểm soát biên giới. Các nước trên t hế giới đang không ngừng nghiên cứu và sản xuất vaccine với tốc độ chưa từng có, các cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ cũng cho thấy tiềm năng để có thể xây dựng một cách tiếp cận đa phương và bình đẳng trong việc phân phối vaccine. Trong các quốc gia ASEAN số người đã được tiêm 1 liều tiêm vaccine chiếm từ 1-33%.

Bà Caitlin Wiesen cho biết: Việt Nam đã có kế hoạch thiết lập Quỹ Vaccine trị giá 1 tỷ USD, Quốc hội cũng dành ra 500 triệu USD để đẩy nhanh tốc độ mua vaccine từ các nguồn khác nhau. Đó là những chiến lược quan trọng để phòng, chống đại dịch COVID-19 trong giai đoạn mới. Đồng thời, Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu tự lực sản xuất vaccine. UNDP đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam khi đã đăng ký với WHO để trở thành một trong các trung tâm tiềm năng sản xuất vaccine cho Việt Nam và khu vực.

Bà Caitlin Wiesen cũng nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN và là thuộc số ít các quốc gia trên thế giới có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Nghiên cứu của UNDP cho thấy, người dân Việt Nam hết sức ủng hộ Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19,. Các nhân viên y tế và toàn xã hội không mệt mỏi trong việc phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam...

Chú thích ảnh
Lực lượng y tế tiến hành các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp ở khu vực có ca nghi mắc COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) cho biết: Đông Nam Á là một trong những khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tính đến ngày 24/5, ASEAN có hơn 3,8 triệu ca mắc COVID-19 và gần 76.000 ca tử vong. Kinh tế các nước ASEAN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu bị đóng băng làm hạn chế hoạt động du lịch, thương mại và đầu tư. Hầu hết các hoạt động kinh tế bị gián đoạn, đình trệ vì các biện pháp như đóng cửa, cách ly, giãn cách xã hội…

Dịch COVID-19 cũng gây nên những bất ổn xã hội, khủng hoảng y tế công cộng; làm tăng tỷ lệ đói nghèo, thất nghiệp và giảm phúc lợi người dân (trong trung hạn). Khi số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng, các nước cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế và cán bộ, nhân viên làm trong lĩnh vực y tế.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, trong bối cảnh đó, các cơ quan ứng phó khẩn cấp và y tế công cộng của ASEAN đã nhanh chóng hành động, chia sẻ thông tin và các biện pháp ứng phó hay nhất tại mỗi cuộc họp ASEAN về dịch COVID-19. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đề xuất phân bổ lại các nguồn lực sẵn có để chống dịch và thành lập Quỹ ứng phó ASEAN đối với dịch COVID-19, thiết lập quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho dịch bệnh…

Tuy nhiên, để kiểm soát được dịch COVID-19, các nước ASEAN đang hướng tới việc tiếp cận các nguồn vaccine để tiêm chủng trên diện rộng, tiến tới miễn dịch cộng đồng vào năm 2022; tìm kiếm các giải pháp ứng phó, các gói kích thích kinh tế và hy vọng sẽ dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa, giãn cách xã hội, khôi phục các hoạt động kinh tế trong thời gian không xa.

Việt Hà (TTXVN)
Ấm áp quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
Ấm áp quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Trong lịch sử quan hệ Việt - Lào, hình tượng “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” đã trở thành một trong những biểu tượng của tình hữu nghị cao đẹp, thủy chung và trong sáng, tượng trưng cho tinh thần sẵn sàng chia sẻ, luôn sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh của hai dân tộc Việt Nam và Lào anh em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN