Đây là sáng kiến của VCCI, tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC 2017 đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Võ Tân Thành, Phó Giám đốc VCCI cho biết, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế ở khu vực APEC. Tính đến nay, MSME đóng góp tới 60% GDP và tạo việc làm cho 54% dân số.
Theo ông Thành, tinh thần khởi nghiệp đang diễn ra tại các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao của khu vực APEC. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đòi hỏi các quốc gia phải tập trung nguồn vốn, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển thị trường. Các nền kinh tế phát triển trong APEC như Hoa Kỳ, Nhật Bản... thường xuyên thực hiện chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện để người dân có thể nắm bắt cơ hội kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, với chủ đề tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên sẽ nỗ lực hoàn thành các mục tiêu chung trong khu vực. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng quan hệ đối tác Châu Á - Thái Bình Dương vì sự phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21. Các nền kinh tế APEC cần tăng cường hợp tác kinh tế kỹ thuật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạch định chính sách và triển khai các chương trình, dự án hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả và tạo nên tính riêng biệt nổi bật ở APEC. Các chương trình hợp tác APEC về tăng cường kết nối, gia tăng chuỗi giá trị, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp... đóng góp vào sự phát triển bền vững trong khu vực.
Theo ông Tùng, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ phát triển năng động, trước thách thức và cơ hội của làn sóng hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu và chưa bao giờ vấn đề khởi nghiệp được các nền kinh tế APEC quan tâm như hiện nay. Nền kinh tế số đang đặt lên mô hình phát triển kinh tế mới, mang lại nhiều cơ hội như thu hẹp khoảng cách địa lý, khoảng cách thu nhập, giúp người dân có cơ hội tiếp cận với những giá trị vật chất, tinh thần xã hội một cách bình đẳng...
“Tuy nhiên, các nền kinh tế APEC cũng như các nền kinh tế thế giới nói chung vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, vẫn có nhiều khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực. Điều này đòi hỏi các nền kinh tế tăng cường hợp tác để đặt nền tảng vững chắc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”, ông Tùng nói.
Với những cơ hội và thách thức trên, Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 được kỳ vọng là cơ hội để các nền kinh tế trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp và hình thành một cộng đồng khởi nghiệp APEC kết nối, năng động.
Tại Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung thảo luận nội dung nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp MSME, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp như, tạo đều kiện cho các MSME đổi mới sáng tạo, xây dựng các cơ hội để hội nhập khu vực và quốc tế; tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu ngay từ khi khởi nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội một cách bền vững, thân thiện với môi trường.
Các sáng kiến và nội dung của Diễn đàn này sẽ được thảo luận và đưa ra thành tuyên bố chung về thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển các MSME và sẽ được kiến nghị tại Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC diễn ra vào ngày 15/9 tại TP Hồ Chí Minh tới đây.