Đây là khẳng định của Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình khi trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sáng 25/3.
Giải quyết khối lượng lớn kiến nghị của cử tri với trách nhiệm cao
Báo cáo nêu rõ, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%.
Cử tri đánh giá cao sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị được các đại biểu Quốc hội tiếp thu, phản ánh khi đóng góp xây dựng pháp luật và trong hoạt động chất vấn. Một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân được đông đảo cử tri quan tâm như: Việc đầu tư, xây dựng một số tuyến đường cao tốc; việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực… đã được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lựa chọn giám sát.
Đặc biệt, tiếp thu kiến nghị cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức thành công, đảm bảo lựa chọn được những đại biểu có đủ năng lực, phẩm chất, xứng đáng là người đại diện của nhân dân.
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã tiếp nhận 1.807 kiến nghị của cử tri; đã giải quyết, trả lời 1.773 kiến nghị, đạt 98,1%.
Các bộ, ngành đã giải quyết, trả lời với trách nhiệm cao một khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Một số bộ, ngành tập trung chỉ đạo, tích cực nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri như: Trả lời của Bộ Quốc phòng về việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ ngã tư xã Chà Vàl đến xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; trả lời của Bộ Nội vụ về cải cách thủ tục hành chính…
Ngoài ra, những vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các bộ, ngành tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình dẫn chứng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế thống nhất thí điểm sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số cho người dân tại 10 tỉnh, thành phố ở miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ thời gian qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh. Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế có thể sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số khi đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ Bảo hiểm y tế giấy.
Đặc biệt, những vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được tiếp thu xem xét, giải quyết.
Tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Theo đó, vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình. Một số kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp mặc dù đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu, nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng có sự không thống nhất về quan điểm giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật
Từ thực tiễn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề bức thiết, nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm. Các đoàn đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri; tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực, đối tượng... để lấy ý kiến đóng góp có chất lượng phục vụ công tác giám sát, xây dựng chính sách, pháp luật.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.