55 năm quan hệ Việt Nam- Sri Lanka: Không ngừng phát triển hướng tới những tầm cao mới

Nhân dịp Việt Nam và Sri Lanka kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/7/1970-21/7/2025), Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Trịnh Thị Tâm đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Á về những thành tựu nổi bật trong quan hệ song phương cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Trịnh Thị Tâm. Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN

Nhìn lại chặng đường 55 năm qua, theo Đại sứ, đâu là những cột mốc quan trọng nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Sri Lanka?

Là hai nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, địa lý và văn hóa, Việt Nam và Sri Lanka có mối liên hệ qua lại từ lâu đời trước khi thiết lập quan hệ lãnh sự năm 1964 và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/7/1970. Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng tình cảm, sự ủng hộ và giúp đỡ của Sri Lanka đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Đặc biệt, lịch sử ghi lại Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đặt chân đến Sri Lanka từ rất sớm khi Người bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, và sau đó đã trở lại Sri Lanka trong các năm 1928 và 1946.

Qua 55 năm hình thành và phát triển, mặc dù trải qua không ít thăng trầm và khó khăn do hoàn cảnh lịch sử, thậm chí có giai đoạn Việt Nam phải tạm thời đóng cửa Đại sứ quán tại Colombo (1982-2011), quan hệ hai nước vẫn đạt được nhiều thành tựu và dấu mốc quan trọng, rất đáng khích lệ.

Thứ nhất, hai bên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc từ sớm và khá đều đặn, góp phần củng cố sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Ngay từ những năm đầu tiên sau khi Việt Nam thống nhất đất nước và hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã cử các lãnh đạo cấp cao sang thăm Sri Lanka, trong đó nổi bật có Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1978) và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình (1976). Các giai đoạn sau đó, về phía Sri Lanka, Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao đã thăm Việt Nam; về phía Việt Nam, Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội và nhiều Bộ trưởng qua các thời kỳ đã thăm Sri Lanka. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm nay, hai bên đã trao đổi 3 đoàn cấp cao, theo đó, Tổng thống Anura Kumara Dissanayake đã thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên đến Việt Nam sau khi nhậm chức và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức (5/2025); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã thăm Sri Lanka lần lượt vào tháng 6/2025 và tháng 3/2025. Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Dissanayake bên lề một hội nghị đa phương tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vào tháng 2/2025.

Thứ hai, Việt Nam và Sri Lanka đã thiết lập và duy trì khá thường xuyên 3 cơ chế hợp tác quan trọng gồm Ủy ban Hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Tiểu ban Hỗn hợp Thương mại cấp Thứ trưởng Công Thương, góp phần định kỳ rà soát và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.

Thứ ba, hai nước đã ký kết gần 40 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực chủ chốt như thương mại, đầu tư, quốc phòng, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp, thủy sản…; gần đây nhất là 5 văn kiện được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Anura Kumara Dissanayake đến Việt Nam về hải quan, chế tạo máy, xúc tiến thương mại, giáo dục và nông nghiệp. Đây là các cơ sở pháp lý vững chắc để các bộ, ngành hai nước triển khai hợp tác toàn diện.

Thứ tư, tuy còn khiêm tốn nhưng thương mại hai chiều nhiều năm gần đây duy trì ở mức khá ổn định, trên dưới 300 triệu USD/năm. Hai nước cam kết hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD trong thời gian tới. Đáng mừng là hiện Sri Lanka có hơn 30 dự án đầu tư tại Việt Nam với vốn đầu tư hơn 43 triệu USD, xếp thứ 64/150 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; Việt Nam có 1 dự án tại Sri Lanka trong lĩnh vực xây dựng trị giá khoảng 300.000 USD.

Thứ năm, hợp tác văn hóa, Phật giáo, giao lưu nhân dân… đang trở thành các thế mạnh và tiềm năng trong quan hệ song phương. Trong năm 2024, đã có gần 15.000 lượt khách Sri Lanka sang Việt Nam; các cơ sở tôn giáo giữa hai nước đang triển khai nhiều chương trình hợp tác và giao lưu ý nghĩa. Cộng đồng người Việt Nam tại Sri Lanka ngày càng phát triển, hiện có khoảng 150 người, đang có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của sở tại, nổi bật là 4 nhà hàng Việt Nam tại Colombo và một ngôi chùa Việt Nam tại Kandy, tỉnh miền Trung Sri Lanka.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, theo Đại sứ, trong thời gian tới Việt Nam và Sri Lanka có thể làm gì để củng cố hơn nữa quan hệ cả ở cấp độ song phương và ở cấp độ quốc tế?

Việt Nam và Sri Lanka có tài sản vô cùng quý giá, đó là quan hệ hữu nghị truyền thống trong sáng và thủy chung. Thành tựu trong 55 năm qua là nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, cả trong khuôn khổ song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương. Trong bối cảnh khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, việc tăng cường quan hệ hợp tác càng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ vì lợi ích của hai dân tộc mà còn đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại. Theo đó, hai bên cần:

Thứ nhất, tích cực hiện thực hóa các cam kết và thỏa thuận đạt được trong các chuyến thăm gần đây, đặc biệt là Tuyên bố chung nhân dịp Tổng thống Anura Kumara Dissanayake thăm Việt Nam (với các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thủy sản, giáo dục, văn hóa…), đưa quan hệ hai nước phát triển lên các tầm vóc mới.

Thứ hai, ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh và tiềm năng như nông nghiệp, thủy sản, du lịch, thương mại… trong bối cảnh nguồn lực hiện nay; phấn đấu đạt các kết quả cụ thể, thực chất, tạo bước đột phá cơ bản để mở đường và tạo động lực cho các hợp tác khác như quốc phòng, an ninh, năng lượng, khai khoáng, xây dựng, logistics, viễn thông, dược phẩm, công nghệ, thể thao….

Thứ ba, chú trọng trao đổi các biện pháp, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy, mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư vì đây là các ưu tiên của hai nước trong giai đoạn phát triển hiện nay. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Sri Lanka kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu và lao động. Hai bên cần mở cửa và tạo điều kiện cho hàng hóa hai nước tiếp cận thị trường của nhau; xem xét thiết lập liên doanh khai thác, sản xuất, chế biến… để xuất khẩu sang một nước thứ ba nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, thời gian vận chuyển cũng như giảm hàng rào thuế quan. Hai bên cũng cần xem xét khởi động đàm phán một hiệp định thương mại song phương, đẩy mạnh kết nối (hàng không, hàng hải) nhằm tạo thuận lợi hơn cho giao thương. Sri Lanka cần tạo thuận lợi để thu hút thêm đầu tư của Việt Nam, phấn đấu có một số dự án tiên phong thành công, từ đó khuyến khích, tạo động lực cho các nhà đầu tư khác. Hai bên cũng cần tạo điều kiện cho các hãng hàng không hai nước sớm mở các đường bay thẳng giữa hai nước.

Thứ tư, Việt Nam và Sri Lanka cần thúc đẩy hợp tác để cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, an ninh mạng…, qua đó không chỉ làm sâu sắc thêm quan hệ song phương mà còn đóng góp vào an ninh và phát triển ở khu vực và thế giới.
Thứ năm, hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết cũng như các cơ chế hợp tác khác, qua đó đóng góp tiếng nói trách nhiệm vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung.

Đại sứ có thông điệp gì muốn gửi tới lãnh đạo và người dân Sri Lanka nhân dịp hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có quyền tự hào về quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết, tin cậy và hợp tác hiệu quả mà hai dân tộc Việt Nam và Sri Lanka đã xây dựng, vun đắp không ngừng qua nhiều thế hệ, kể cả trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi tin tưởng rằng, với nền tảng vững chắc đã có, cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp hai nước, quan hệ Việt Nam – Sri Lanka sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới các tầm cao mới, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Sri Lanka (1970-2025), tôi xin chân thành gửi tới lãnh đạo và nhân dân Sri Lanka những tình cảm tốt đẹp và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Sri Lanka ngày càng nồng ấm và đạt được nhiều thành tựu mới.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Ngọc Thúy - Quang Trung (TTXVN)
55 năm quan hệ Việt Nam - Sri Lanka: Phát triển tốt đẹp mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt
55 năm quan hệ Việt Nam - Sri Lanka: Phát triển tốt đẹp mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, thực hiện Chương trình đối ngoại năm 2025, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu, đã thăm, làm việc tại Sri Lanka từ ngày 1-4/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN