Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chương trình "Năm hữu nghị Việt Nam-Vương quốc Anh 2023: Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Anh".
Theo phóng viên TTXVN tại London, hội thảo do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Hiệp hội công nghệ Vương quốc Anh (techUK), Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức nhằm giới thiệu năng lực công nghệ của của các doanh nghiệp Việt Nam và kết nối hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) hai nước. Các diễn giả tại hội thảo đã giới thiệu về năng lực công nghệ thông tin truyền thông (ICT) của Việt Nam và Anh, đồng thời đánh giá triển vọng và cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực này.
Tham dự hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số trẻ, năng động, lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh và mạnh với xu hướng khởi nghiệp công nghệ. Trong năm 2020-2023, nhiều công ty công nghệ kỳ lân của Việt Nam được thế giới biết đến và Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết hai lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác công nghệ giữa Anh và Việt Nam là giáo dục, đặc biệt về nghiên cứu khoa học-công nghệ, và dịch vụ tài chính. Đây là hai thế mạnh của Anh mà Việt Nam có thể học hỏi và hợp tác để đưa đất nước trở thành trung tâm khu vực về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đại sứ bày tỏ hy vọng trong vòng 5 năm tới, công nghệ sẽ là lĩnh vực hợp tác trọng tâm trong quan hệ Việt Nam-Anh, với các hợp tác về y tế số, trung tâm tài chính và công nghệ tài chính.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Bộ Thông tin Truyền thông, cho biết Việt Nam và Anh đã đạt được những thành tựu đáng kể về công nghệ số. Việt Nam hiện là điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á về ICT, trong khi Anh là nơi tốt nhất thế giới về kinh doanh số. Tổng doanh thu của ngành ICT Việt Nam tăng từ 30 tỷ USD vào năm 2013 lên 148 tỷ USD hiện nay, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 10,5%.
Ông Hoàng Anh Tú nhận định với thị trường chuyển đổi số dự báo đạt 4.600 tỷ USD vào năm 2030, cơ hội đối với các công ty công nghệ, trong đó có Việt Nam và Anh, là rất lớn. Với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ Việt Nam gồm 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, Việt Nam đang tìm kiếm đối tác trong quá trình số hóa, cho rằng các doanh nghiệp công nghệ Anh sẽ là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong quá trình này.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại cho Anh, cho biết ngành ICT Vietnam đã phát triển mạnh mẽ trong 10 năm qua vươn lên thứ hạng cao trên thế giới , khẳng định Vietnam có cơ hội và phải trở thành một bộ phận của nền kinh tế số toàn cầu. Ông Cường nhận định hợp tác trong lĩnh vực ICT giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển và có thể trở thành một trong những tru cột của hợp tác song phương. Ông khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Vietnam và Anh cần nghiên cứu khả năng đảm phán một Hiệp định kinh tế số để tăng cường hơn nữa liên kết hợp tác kinh tế số giữa hai nước.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA đã giới thiệu chung về ngành ICT Việt Nam, tiềm năng và các cơ hội hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Thu Giang cho biết với dân số hơn 98,5 triệu người, trong đó hơn 73% người sử dụng Internet và hơn 78% dân số sử dụng mạng xã hội, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư ICT. Việt Nam cũng có nguồn nhân lực ICT dồi dào, với hơn 1 triệu nhân lực kỹ thuật làm việc tại các công ty ICT, trong đó hơn 280.000 người làm việc trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ ICT, với mức thu nhập trung bình từ 5.000-10.000 USD/năm. Bà Giang nhấn mạnh đây là một yếu tố cạnh tranh của thị trường Việt Nam với nhân lực chất lượng cao với chi phí nhân công hợp lý.
Việt Nam cũng được nhiều công ty công nghệ và tổ chức xếp hạng của thế giới đánh giá cao về năng lực, kỹ năng phát triển phầm mềm, là điểm đến hàng đầu về software outsourcing (thuê phát triển phần mềm) của các công ty, trong đó có công ty HackerRank, Kearney và Accelerance của Mỹ.
Việt Nam cũng có nhiều chính sách ưu đãi phát triển ICT, bao gồm phát triển phần mềm, với các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT; ưu đãi giá thuê đất và mặt nước; ưu đãi trong các khu công nghiệp CNTT; tín dụng đầu tư và xuất khẩu...
Bà Nguyễn Thị Thu Giang nhận định Việt Nam và Anh có nhiều tiềm năng hợp tác ICT, bao gồm phát triển các giải pháp chuyển đối số cho cả khu vực công và tư; chuyển đổi số cho các thành phố và đô thị; công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain (chuỗi khối), metaverse (vũ trụ ảo)…; thiết lập các trung tâm phát triển CNTT/phần mềm. Việt Nam với vị trí chiến lược ở khu vực cũng là cửa ngõ để các doanh nghiệp Anh bước vào thị trường ASEAN.
Bà Giang cho rằng hội thảo là cơ hội để doanh nghiệp hai nước chia sẻ thông tin, tìm kiếm và thúc đẩy cơ hội hợp tác trong lĩnh vực CNTT, bày tỏ hy vọng VINASA và techUK tiếp tục tổ chức các sự kiện giao lưu hợp tác trên cơ sở thường niên để thắt chặt quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp thành viên của hai tổ chức.
Về phần mình, Phó Giám đốc điều hành techUK, Antony Walker, cho biết hội thảo là cơ hội để tìm hiểu về tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là một nhân tố chủ chốt, mới nổi trong bối cảnh công nghệ toàn cầu, cũng như đánh giá về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước về công nghệ. Ông Walker cho biết hệ sinh thái công nghệ của Anh phát triển dựa trên sự hợp tác, tập hợp các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, học viện, chính phủ và các tập đoàn công nghệ lớn để phát triển các mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy ngành công nghệ của đất nước.
Hệ sinh thái công nghệ của Anh cũng tập trung vào đổi mới, sáng tạo; các công nghệ mới nổi như AI, machine learning (học máy), blockchain, và điện toán lượng tử, đồng thời tập trung vào tính đa dạng và bao trùm.
Ông Walker cho rằng ngành công nghệ của Anh cần duy trì sự phát triển thông qua việc tiếp tục đầu tư, thương mại và hợp tác với các quốc gia trên thế giới, và nhấn mạnh với chính sách ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc hợp tác với Việt Nam, ở cấp chính phủ, cấp ngành và cấp doanh nghiệp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với Anh.
Bà Debby Davidson, đồng sáng lập và Giám đốc vận hành (COO) công ty Acclime, nhận định lĩnh vực công nghệ của Việt Nam hiện đang có tiềm năng phát triển với thị trường 100 triệu dân, trong đó, theo bà, có tới 94% sử dụng điện thoại thông minh. Đặc biệt ngành fintech (công nghệ tài chính) có tiềm năng và cơ hội lớn trong bối cảnh một số lượng lớn người dân Việt Nam hiện chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số. Bà Davidson cho rằng, đối với các công ty công nghệ nói chung, nhu cầu chuyển đổi số là rất lớn và kết hợp với chính sách số hóa quốc gia của Chính phủ Việt Nam, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ Anh.
Ông Mohan Naidu, Giám đốc điều hành công ty FPT Software UK, chỉ ra các lợi thế của Việt Nam như một điểm mới nổi để đầu tư về đổi mới, sáng tạo, với nguồn nhân lực kỹ thuật cao, với 57.000 cử nhân CNTT tốt nghiệp hằng năm, và hơn 480.000 kỹ sư phần mềm và phát triển CNTT.
Việt Nam cũng có ngành CTTT và viễn thông phát triển mạnh, là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh thứ hai trên thế giới (năm 2022) và dự kiến sẽ đứng thứ nhất vào năm 2024, với giá trị toàn ngành CNTT đạt 136 tỷ USD trong năm 2022 và doanh số dịch vụ phần mềm và CNTT đạt 9 tỷ USD/năm. Ngoài ra, Việt Nam có nền chính trị và kinh tế ổn định, với tăng trưởng GDP đạt 8,02% năm 2022, mức tăng nhanh nhất trong vòng 25 năm, và tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 438 tỷ USD tính đến năm 2022, nằm trong số 20 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong năm 2021.