Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Đại sứ đánh giá như thế nào về thành tựu quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Uruguay trong 30 năm qua? Đâu là những thế mạnh cần phát huy?
Mặc dù là một nước nhỏ ở khu vực Nam Mỹ với hơn 3 triệu dân, Uruguay được coi là trường hợp thành công hiếm hoi trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở khu vực Mỹ Latinh. Nhìn tổng thể, Uruguay là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực Mỹ Latinh, có khoa học công nghệ phát triển với 95% điện năng là từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Việt Nam và Uruguay chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/8/1993. Trong 30 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác ngày càng phát triển tích cực trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại. Sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp cùng với các cơ chế hợp tác quan trọng như Ủy ban Hợp tác Liên Chính phủ, tham vấn chính trị. Hai bên cũng duy trì các tiếp xúc song phương tại các hội nghị bên lề của Liên hợp quốc hay Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC). Năm 2023, hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với điểm nhấn là chuyến thăm cấp cao của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu vào tháng 4 vừa qua. Chuyến thăm với nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao trong chính quyền, giữa các bộ ngành và địa phương hai bên đã góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau ở cấp cao nhất, đồng thời mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước.
Đại sứ nhận định thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế và tại các diễn đàn đa phương?
Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương. Uruguay có nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu nông sản. Kinh tế Uruguay đã phục hồi trở lại mức trước khi đại dịch COVID bùng phát vào giữa năm 2021 và tăng trưởng khá cao, đạt mức 4,9% trong năm 2022. Năm 2023 do ảnh hưởng của hạn hán và tình hình kinh tế thế giới, tăng trưởng đã giảm song kinh tế vĩ mô của Uruguay vẫn ổn định với môi trường kinh doanh được cho là thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp từ châu Á.
Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Urugay tăng từ 27 triệu USD năm 2007 lên hơn 100 triệu USD năm 2019. Năm 2022, trao đổi thương mại song phương đạt 190 triệu USD. Tuy vậy, kim ngạch thương mại còn thấp so với tiềm năng giữa hai nước. Hai nước còn nhiều dư địa hợp tác có thể khai thác trong các lĩnh vực như chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghệ sinh học-di truyền, giống lúa, công nghệ sản xuất máy lọc nước, công nghệ thông tin... Uruguay mong muốn xuất khẩu thịt bò, lông cừu sang Việt Nam cũng như quan tâm tới việc nhập khẩu một số mặt hàng như cá, hoa quả nhiệt đới sấy khô, bia.
Tại các diễn đàn đa phương, hai nước tiếp tục phát huy đà hợp tác và ủng hộ lẫn nhau. Bạn mong muốn ta hỗ trợ trong việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời luôn bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) mà Uruguay là thành viên cùng với Argentna, Brazil và Paraguay. Đặc biệt, hai bên nhất trí quan điểm bảo vệ các nguyên tắc và giá trị của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề đa phương.
Trong năm nay, hai nước phối hợp như thế nào trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 4 vừa qua được lãnh đạo cấp cao của Uruguay như Tổng thống Luis Lacalle Pou và Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện bạn đánh giá cao do đây là lần đầu tiên lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam tới quốc gia Nam Mỹ này kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ. Chuyến thăm không chỉ thúc đẩy quan hệ hai nước nói chung, quan hệ nghị viện song phương nói riêng mà còn có điểm nhấn là tăng cường quan hệ nghị viện đa phương với cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch nghị viện khối MERCOSUR và các Phó chủ tịch đại diện cho các nước thành viên của khối.
Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
Với mong muốn của hai bên đưa quan hệ hai nước phát triển hơn nữa, Việt Nam và Uruguay cần tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội và giao lưu nhân dân nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Cả hai bên nhận định quan hệ hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước và mong muốn thúc đẩy hợp tác không chỉ về chính trị, kinh tế mà cần mở rộng sang hợp tác về khoa học công nghiệp, văn hoá, du lịch, không chỉ vì lợi ích của hai nước, mà còn đóng góp cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Xin Đại sứ cho biết trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Uruguay trong năm 2023 cũng như trong những năm tiếp theo?
Trong năm 2023, ta thúc đẩy bạn khẳng định lại cam kết ủng hộ Việt Nam đàm phán FTA với Khối MERCOSUR. Ngoài ra, hai bên tiếp tục thúc đẩy các biện pháp tạo thuận lợi cho hàng hoá của Việt Nam và Uruguay tiếp cận thị trường của nhau. Hai bên cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại để tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của hai nước, đặc biệt tập trung trong các khuôn khổ song phương và đa phương. Cùng với đó cần đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu với mục đích nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên cao hơn nữa, khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, tiếp cận thị trường của nhau. Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Uruguay coi việc hợp tác với Việt Nam là một cơ hội tốt cho sự phát triển của quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời đề nghị sớm mở Đại sứ quán Việt Nam tại Uruguay nhằm gớp phần nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác song phương.
Trân trọng cám ơn Đại sứ!