10 công dân Thủ đô ưu tú 2011


Ngày 10/10/2011, tại Hà Nội, 10 công dân Thủ đô ưu tú sẽ được UBND thành phố Hà Nội vinh danh trong Lễ kỷ niệm 57 năm ngày giải phóng thủ đô 10/10.

Đây là năm thứ 2 UBND thành phố Hà Nội xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, ưu tú nhất trong các lĩnh vực của đời sống, kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng; có đóng góp đặc biệt cho Thủ đô và đất nước.

Cá nhân đạt danh hiệu này sẽ được tặng Bằng chứng nhận và tiền thưởng 10 triệu đồng, được ghi tên vào sổ Vàng truyền thống của thành phố.

Dưới đây là 10 cá nhân được Hội đồng Thi đua khen thưởng thành phố bình xét:

1. Nhà báo, nhà nghiên cứu Giang Quân

Nhà báo, nhà nghiên cứu Giang Quân, tên thật là Nguyễn Hữu Thái, sinh năm 1927 tại xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nguyên Trưởng phòng Biên tập thông tin triển lãm (Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội). Hơn 50 năm làm việc, ông đã in hơn 50 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn viết riêng về Hà Nội. Đặc biệt, hai cuốn “Ký sự địa chí Hà Nội” và “Từ điển đường phố Hà Nội” thực sự là cuốn cẩm nang cho những ai muốn tìm hiểu lai lịch mỗi tên đường, mỗi góc phố Thủ đô. Ông có nhiều cống hiến cho phong trào “Người tốt, việc tốt” của Hà Nội thông qua việc viết và biên tập 18 tập sách “Những bông hoa đẹp” của thành phố.

2. Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, sinh năm 1930 tại xã Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Hưng, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Chủ tịch Danh dự Hội Âm nhạc Hà Nội (nhiệm kỳ 2011-2015).
Trong nửa thế kỷ lao động, sáng tạo, ông đã có một gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 500 ca khúc. Đối với Thủ đô Hà Nội, 3 nhiệm kỳ trên cương vị Chủ tịch Hội nhạc sĩ Hà Nội, ông đã cùng đồng nghiệp sáng tác, cổ vũ các phong trào cách mạng với nhiều tác phẩm sống cùng năm tháng. Các bài hát của ông về Hà Nội được nhiều người biết đến như: “Hát dưới trời Hà Nội”, “Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội”, “Có một mùa thu Hà Nội”, “Hà Nội những đêm không ngủ”, “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”…
Với những cống hiến của mình, ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và đang được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật .

3. Nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài, tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông thuộc lớp nhà văn hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Gần một thế kỷ chứng kiến thăng trầm, đổi thay của đất nước, ông là cuốn từ điển sống về văn hoá và từ ngữ dân gian của Hà Nội. Với sức làm việc phi thường, ông đã có trên 200 tác phẩm, trong đó có gần một nửa là những tác phẩm về đất và người Hà Nội. Hiện nay, dù tuổi đã cao, nhưng nhà văn vẫn nghiên cứu, viết về Thăng Long - Hà Nội, đồng thời có kế hoạch in lại các tác phẩm kể chuyện về Thăng Long xưa.
Với những đóng góp cho Thủ đô và đất nước, ông đã vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật; Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội; UBND Thành phố Hà Nội trao Giải thưởng Thăng Long; Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

4. Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân

Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân, sinh năm 1934, tại xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu Thủ đô, Bí thư Đảng ủy Quân khu Thủ đô. 17 năm công tác tại Quân khu Thủ đô, ông luôn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Tiếp theo, 14 năm liền tham gia công tác cựu chiến binh thành phố, ông đã phát huy sức mạnh tập thể, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị Thủ đô, góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền vững mạnh.
Với những cống hiến của mình, ông đã vinh dự nhận được nhiều khen thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ.

5. Anh hùng Lao động Trần Vĩnh Diệu

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu, sinh năm 1938, tại Đức Tùng, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là một nhà khoa học hàng đầu của ngành hóa học.
Trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo cùng các cộng sự tại Thủ đô Hà Nội, ông đã làm chủ nhiệm 6 đề tài cấp Nhà nước và 5 dự án triển khai. Tất cả các đề tài và dự án trên đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng triển khai trong thực tế, tiết kiệm cho Nhà nước hàng tỷ đồng. Nhiều công trình nghiên cứu của giáo sư đã được ứng dụng tại Hà Nội như: chế tạo keo ghép đá tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chế tạo vòng bảo vệ máy bay, chế tạo gối cầu cao su cốt bản thép cho cầu qua sông Kim Ngưu, sử dụng compozit chế tạo dải phân cách và lan can phòng hộ, hệ thống cầu trượt cho Công viên Nước, chế tạo sơn bảo vệ bồn chứa rượu vang của Công ty Vang Thăng Long... Hiện nay, tuy tuổi đã cao, ông vẫn tham gia giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Thủ đô.
Với những đóng góp của mình, Giáo sư Trần Vĩnh Diệu đã được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; Giải nhất VIFOTEC, giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ do Hội Kỹ sư châu Á tặng.

6. Bác sỹ Nguyễn Thị Đức Hiền

Bác sỹ Nguyễn Thị Đức Hiền, sinh năm 1959, tại xã Đồng Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. 28 năm gắn bó với người bệnh, bà đã luôn quan tâm, động viên cán bộ, bác sỹ, nhân viên phát huy y đức cứu chữa người bệnh. Trong nhiều năm qua, bà đã cùng tập thể y bác sĩ của khoa điều trị, cứu chữa cho hàng vạn bệnh nhân thoát khỏi bàn tay của tử thần. Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Xanh Pôn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Cá nhân bác sỹ Nguyễn Thị Đức Hiền được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, nhiều năm liền được UBND Thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu.

7. Ông Nguyễn Gia Thọ

Ông Nguyễn Gia Thọ, sinh năm 1953, tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội, Chủ nhiệm HTX Song Long, quận Hoàn Kiếm. Với bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, thương binh Nguyễn Gia Thọ đã chỉ đạo đưa hợp tác xã từ chỗ bên bờ vực phá sản trở thành một điển hình tiên tiến của khối kinh tế tập thể không chỉ của Hà Nội mà còn là điển hình của cả nước. Hợp tác xã sản xuất 500 mặt hàng mang nhãn hiệu “Song Long Plastic”, đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Hàng hóa mang nhãn hiệu Song Long 10 năm liền (2000-2010) được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Từ năm 2004-2010, thương hiệu Song Long được cơ quan báo chí bình chọn là một trong 100 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam. Những đóng góp tích cực của ông đã tạo vị thế của doanh nghiệp Thủ đô trên trường quốc tế.

8. Sư thầy Thích Đàm Lan


Sư thầy Thích Đàm Lan, sinh năm 1956, tại Hải Dương, trụ trì chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Thầy đã cùng tăng ni, phật tử xây dựng chùa Bồ Đề khang trang sạch đẹp từ một nơi hoang vắng bốn bề trống trải 20 năm về trước. Cùng với việc xây dựng chùa, sư thầy luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao cho cuộc đời bớt nỗi đau thương như lời Phật dạy. Từ việc giúp đỡ những cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại nhà và mang về nuôi tại chùa 10 cháu nhỏ mồ côi không nơi nương tựa, nhà chùa đã đón nhiều người phụ nữ thất cơ lỡ vận không chốn nương thân. Họ đã trở thành những người mẹ của bao đứa trẻ mồ côi bất hạnh. Hiện nay, nhà chùa đang chăm sóc và nuôi dưỡng 164 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 95 trẻ em và 69 người lớn.
Sư thầy Thích Đàm Lan đã được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt tiêu biểu”; gương sáng làm việc thiện của nhà sư cũng được in trong sách “Những bông hoa đẹp” Thành phố Hà Nội.

9. Bà Trương Thị Nhân

Bà Trương Thị Nhân, sinh năm 1926, tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải thuê tàu.
Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, bà đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp được trên 600 triệu đồng phục vụ cho hoạt động khuyến học, khuyến tài của địa phương. Bản thân bà đã trực tiếp hỗ trợ kinh phí cho gần 20 cháu (từ cấp I đến đại học) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường. Nhiều cháu đã tốt nghiệp đại học, đi làm cho các doanh nghiệp và giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp và lại tiếp nối tham gia công việc khuyến học cùng với bà....
Bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2009, bà Trương Thị Nhân (84 tuổi, người cao tuổi nhất) là một trong 100 gương mặt tiêu biểu toàn quốc đã vinh dự được tuyên dương tại Lễ tổng kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn quốc.

10. Ông Trịnh Văn Hùng

Ông Trịnh Văn Hùng, sinh năm 1953, tại xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội. Ông là một thương binh bị nhiễm chất độc da cam và có một con cũng bị nhiễm chất độc da cam, bản thân sức khoẻ giảm sút. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”, ông đã vượt lên trên nỗi đau da cam, bằng bàn tay, khối óc của mình, ông đã mạnh dạn vay vốn chăn nuôi nhỏ lẻ. Dần dần, ông mở rộng mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp với quy mô 80 con lợn nái, 300 con lợn thịt. Hằng năm, xuất chuồng 150 tấn lợn hơi, lợi nhuận thu trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trợ giúp cho hội viên nông dân xã về lợn giống, tạo việc làm 4 lao động thường xuyên/năm, với thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng/người. Hằng năm, ông đều tham gia ủng hộ Quỹ Khuyến học của xã từ 6 đến 8 triệu đồng/năm./.

Hoài Nam (tổng hợp)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN