VN-Index tiếp tục 'lao dốc' do áp lực bán tháo 

Kết thúc phiên sáng đầu tuần ngày 27/7, áp lực bán tháo lại tiếp diễn khiến hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn. VN-Index mất mốc 790 điểm, chỉ đạt 789,12 điểm, giảm 40,4 điểm (giảm 5,07%) so với phiên cuối tuần trước.

Chú thích ảnh
 Khách hàng giao dịch tại Hội sở chứng khoán Bảo Việt - BVSC (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Trên sàn Hà Nội, HNX chỉ đạt 104,29 điểm, giảm 5,04 điểm ( giảm 4,83%) so với phiên cuối tuần trước. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,16 triệu đơn vị, giá trị hơn 313 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 9,45 tỷ đồng.

Thị trường UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi bị đẩy xuống mức thấp nhất của phiên. Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,62 điểm (-2,9%), xuống 54,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,93 triệu đơn vị, giá trị 229,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 32,65 tỷ đồng.

Tính chung cả tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 3/2020 cho tới nay với mức giảm 4,92%. 

Sắc đỏ đã chiếm ưu thế hoàn toàn với 365 mã giảm trên sàn HoSE, 24 mã đứng tham chiếu và chỉ có 25 mã tăng. Riêng nhóm VN30, toàn bộ 30 mã đều giảm.

Đến cuối phiên sáng 27/7, nhiều mã bluechip (cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và mang tính dẫn dắt thị trường) đã trở lại sát mức giá sàn dù trước đó đã thu hẹp đà giảm chỉ còn 2 - 3%. Cổ phiếu PNJ, CTD giảm kịch biên độ; MWG, VJC, BVH, POW giảm hơn 6,6%, chỉ còn cách mức sàn vài giá. Hơn 80% số mã trong VN30 giảm trên 4%. Thanh khoản hai sàn niêm yết tiếp tục giữ ở mức cao, đạt gần 4.200 tỷ đồng.

Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng mua vào khi thị trường chứng khoán rớt điểm mạnh. Đến 10 giờ 20 phút, khối ngoại mua vào hơn 6,1 triệu cổ phiếu trên HoSE, trong khi bán ra chỉ hơn 1,5 triệu đơn vị. Tổng giá trị mua ròng hơn 50 tỷ đồng.

Đầu phiên sáng 27/7, HVN và VJC là hai mã cổ phiếu trong nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Đến 9 giờ 40 phút, cổ phiếu HVN giao dịch ở mức giá sàn, giảm 7% với dư bán hơn 55.000 đơn vị. Trong khi đó, VJC cũng giảm gần 6%. Trước đó, cổ phiếu này có thời điểm giảm 6,6%, về sát mức giá sàn.

Nhiều chuyên gia tài chính lo ngại: Diễn biến COVID-19 trở nên phức tạp, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư lo ngại hàng không sẽ tiếp tục là ngành bị tác động mạnh. Ngoài các biện pháp hạn chế sự lây lan, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân cũng có thể bị ảnh hưởng.

Thị trường được dự báo sẽ khó khăn trong tuần giao dịch mới nhưng theo ý kiến một số chuyên gia tài chính, trong bối cảnh này lại là cơ hội để tích lũy các nhóm cổ phiếu tiềm năng với giá thấp. Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán (CTCK) MBS, thị trường cơ sở đi vào vùng biến động mạnh sẽ là môi trường thuận lợi đối với thị trường phái sinh. Việc thị trường dao động mạnh cũng có thể khiến nhà đầu tư lỗ vị thế khi không theo kịp biến động trong phiên.

"Với bối cảnh hiện tại, việc giao dịch ngắn hạn hay lướt sóng nên hạn chế. Cơ hội đầu tư vào các nhóm cổ phiếu có lẽ nên có tầm nhìn từ 6 tháng đến 1 năm. Nhóm cổ phiếu trong mùa COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu như: Y tế và thiết bị y tế, lương thực thực phẩm hoặc các mặt hàng thiết yếu… Các nhóm cổ phiếu phòng thủ như: điện, nước… hoặc nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công, từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI như: Bất động sản, khu công nghiệp...", ông Ngô Quốc Hưng nói.

Còn ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCK Vietinbank cho hay: Cơ hội xuất hiện tại thị trường phái sinh với lợi thế T0 (thanh toán ngay trong ngày giao dịch) cùng số lượng nhà đầu tư tham gia lớn, đặc biệt khi thị trường cơ sở gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn kết quả kinh doanh quý II/2020 của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được công bố chính thức. Tuy vậy, rủi ro vẫn xuất hiện khi biên độ dao động trong phiên lớn, khiến các nhà đầu tư không tuân thủ kỷ luật đối diện với rủi ro mất vốn trong thời gian ngắn.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh vừa công bố chính thức trên website về việc nhận Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Cụ thể, số lượng cổ phiếu LPB đăng ký niêm yết tại HOSE là 976.948.319 cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 9.769.483.190.000 đồng. Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) là tổ chức tư vấn cho việc đăng ký niêm yết cổ phiếu LPB.
Minh Phương/Báo Tin tức
Thị trường chứng khoán có thể bước vào chu kỳ giảm
Thị trường chứng khoán có thể bước vào chu kỳ giảm

Nhà đầu tư ngày càng “e ngại” trước diễn biến mới về tình hình dịch bệnh COVID-19, lực bán dâng cao khiến thị trường giảm mạnh, đặc biệt là phiên giao dịch cuối tuần qua. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng bán ròng tới hơn 530 tỷ đồng. Giới phân tích nhận định, chuyển động của thị trường có thể đã theo xu hướng tiêu cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN