Theo đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/9, VN-Index tăng 12,24 điểm (1,37%) lên mốc 903,97 điểm. Đây là mức cao nhất kể từ phiên ngày 25/2.
Dòng tiền cũng ào ạt chảy vào thị trường khiến thanh khoản trên sàn HOSE đạt tới hơn 7.659,2 tỷ đồng. Toàn sàn HOSE có 235 mã tăng giá, 170 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,64 điểm (0,51%) lên mức 126,05 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 54,9 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 579 tỷ đồng. Toàn sàn có 90 mã tăng giá, 56 mã đứng giá và 67 mã giảm giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 25 mã tăng giá, chỉ có 4 mã giảm giá và 1 mã đứng ở mốc tham chiếu. Các mã tăng giá mạnh là cổ phiếu trong họ Vingroup. Cụ thể, VRE tăng 3,1%, VIC tăng 1,9% và VHM tăng 1,1%, đóng góp rất lớn cho đà tăng của chỉ số VN-Index.
Thêm vào đó, một loạt cổ phiếu đầu ngành khác tăng mạnh như: SAB và VJC tăng 2%, MSN tăng 1,5%, MWG tăng 1,1%, REE tăng 1,4%, SSI và VNM tăng 1%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng rất tích cực với VCB tăng 3,9%, HDB tăng 4,6%, VIB tăng 4,1%, BID tăng 1,9%,TCB tăng 1,4%, VPB tăng 1,3%...
Các nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, xây dựng cũng diễn biến khởi sắc.
Không chỉ vậy, khối ngoại cũng mua ròng tích cực trong phiên giao dịch hôm nay. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng hơn 390 tỷ đồng. Các mã được mua ròng mạnh là CTG (gần 652 tỷ đồng), PLX (hơn 62 tỷ đồng) và VRE gần 27 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng 8,36 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là PVS (hơn 7 tỷ đồng) và SHS (hơn 1,7 tỷ đồng).
Trên thị trường UPCOM, khối ngoại bán ròng 4,42 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là WSB (hơn 6,4 tỷ đồng), VEA (gần 3 tỷ đồng).
Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 3/9, sau khi Phố Wall phiên trước tiếp tục chứng kiến các chỉ số lập các mức cao kỷ lục, khi những hy vọng về loại vắc-xin mới và các biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương lấn át báo cáo việc làm của Mỹ kém hơn nhiều so với dự báo và những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,9%, chốt phiên ở mức 23.465,53 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,33%, lên 2.395,9 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,5%, xuống 25.007,6 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,6%, xuống 3.384,98 điểm.
Công ty cung cấp dữ liệu việc làm ADP cho biết nền kinh tế Mỹ tạo được 428.000 việc làm mới trong tháng 8, bằng 1/3 so với mức dự báo, một dấu hiệu không khả quan trước khi báo cáo việc làm chính thức được công bố ngày 4/9, trong khi đây là một căn cứ để đánh giá về tình hình nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite phiên trước lập các mức cao kỷ lục, còn chỉ số Dow Jones tăng ấn tượng 1,6%.
Các quan chức Mỹ đã kêu gọi các bang chuẩn bị phân phối vắc-xin tiềm năng vào ngày 1/11, hai ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống. Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, Robert Redfield, ngày 27/8 đã nói lãnh đạo các bang nên cân nhắc việc hủy các quy định cản trở các cơ sở phân phối vaccine hoạt động đầy đủ trước ngày 1/11. Trong khi đó, ông Anthony Fauci, một quan chức hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, trong phát biểu ngày 2/9 tin rằng vào cuối năm nay có thể có một loại vaccine an toàn và hiệu quả.
Đà phục hồi trên Phố Wal đã tiếp sức cho các thị trường châu Á vào đầu phiên này, nhưng một số thị trường đã không giữ được đà tăng. Thị trường Hong Kong và Thượng Hải giảm sau khi Mỹ quyết định hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao Trung Quốc tại nước này, động thái mới nhất trong bất đồng kéo dài giữa hai nước, liên quan đến các vấn đề như dịch COVID-19 và thương mại.
Các nhà giao dịch đang theo dõi các cuộc đàm phán tại Quốc hội Mỹ, hy vọng các nghị sỹ sẽ đạt thỏa thuận về gói kích thích mới, mặc dù kỳ vọng không nhiều. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói vẫn có những khác biệt lớn giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sau cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.