Theo ước tính sơ bộ của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu kế hoạch của 925 doanh nghiệp (DN) niêm yết đã giảm dần từ mức 26% năm 2017, xuống 18% vào năm 2018 và còn 17% vào năm 2019; kế hoạch mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) cũng giảm dần từ 40% trong năm 2017, xuống còn 31% vào năm 2018 và xuống còn 12% vào năm 2019.
Lý do kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp giảm vì trong những tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội trong nước bị ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới. Hiện bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Có thể thấy, kinh tế toàn cầu đang yếu đi và FED đã phản ứng bằng việc siết chặt hai lần lãi suất.
Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng yếu tại châu Âu trong khi Nhật Bản thất bại trong việc đẩy lạm phát; Chỉ số PMI của Đức giảm mạnh dưới 50 khi thương mại toàn cầu giảm và sự phụ thuộc lớn vào các thị trường châu Á, điều này làm các nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu. Theo các chuyên gia chứng khoán - tài chính, đây là lần đầu tiên trong 3 năm lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm giảm dưới mức 0. Chính vì vậy, tình hình ở châu Âu nghiêm trọng hơn nhiều so với Mỹ, bởi Fed có thể ngừng tăng lãi suất, nhưng Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ không bao giờ bắt đầu điều đó. Công cụ tiền tệ thông thường duy nhất còn lại trong chiếc hộp của họ là trì hoãn việc thắt chặt tiền tệ.
Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu đang yếu đi cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại về thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Cụ thể, quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,3% (từ mức 3,5% trong tháng 1), mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Đây là lần thứ 3 trong 6 tháng, IMF điều chỉnh dự báo thấp đi.
Với những thông tin không mấy tích cực trên, nhiều cổ đông DN niêm yết lo ngại tăng trưởng thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong tháng 5 sẽ không có những tín hiệu khả quan.
Thông tin hỗ trợ được xem là tích cực nhất liên quan là việc xem xét thăng hạng TTCK, dự kiến vào cuối tháng 5 của công ty phân tích tài chính MSCI.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các chuyên gia chứng khoán – tài chính vẫn tin rằng thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn cơ hội. Trước hết, tin tức tiêu cực từ các cuộc đàm phán Mỹ - Trung có thể gây áp lực lên các chỉ số chứng khoán toàn cầu (đặc biệt là S&P 500, DJ và Nasdad) vốn đã tăng khá cao trong bốn tháng đầu năm 2019. Thứ hai là các chỉ số vĩ mô trong nước đều không thực sự khả quan so với cùng kỳ. Các thông tin này, hoặc sẽ trực tiếp hoặc sẽ gián tiếp tác động lên sàn chứng khoán Việt Nam.
Do đó, các chuyên gia chứng khoán – tài chính cho rằng, TTCK Việt Nam khó có thể hình thành xu hướng tăng trong tháng 5/2019. Tuy nhiên, sự điều chỉnh mạnh trong tháng 5 có thể tạo nên thời điểm tốt cho việc tích lũy cổ phiếu, đặc biệt là các công ty lớn (thuộc VN30) với nền tảng cơ bản tốt và có mức định giá tương đối hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới.