Người mua thưa vắng tại chợ truyền thống trên địa bàn phường Tân Mỹ, TP Hồ Chí Minh.
Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, 1 trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày các mặt hàng rau củ, trái cây, thịt lợn… vẫn đều đặn chuyển về từ các địa phương lân cận. Thời tiết bất thường và mưa bão không ảnh hưởng đến nguồn cung, giúp hàng hóa ổn định về sản lượng và giá cả. Cụ thể, mỗi ngày có hơn 2.100 tấn hàng hóa nhập chợ; trong đó 366 tấn thịt lợn, còn lại là rau củ và trái cây.
Theo ông Lê Phúc Hậu, Trưởng phòng kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, nguồn rau củ quả tại chợ chủ yếu nhập về từ Đà Lạt hay miền Tây; trong đó, nhiều vùng sản xuất chuyên canh trong nhà màng, nhà kính, hạn chế đáng kể tác hại của thời tiết. Bên cạnh đó, nguồn cung rau củ nhập khẩu khá dồi dào, thương nhân tại chợ có thể chủ động tăng nguồn nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt (nếu có).
Chuyên nhập hàng từ chợ đầu mối Hóc Môn, chị Đỗ Minh Nguyệt, tiểu thương tại Chợ Nguyễn Tri Phương, TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng hóa rau củ về chợ vẫn dồi dào, đủ loại, dù mưa gió bất thường, nhưng người mua ít hơn hẳn so với năm 2024. Tiểu thương chủ động giảm đơn mua sỉ, đa dạng các loại rau củ, phục vụ người tiêu dùng.
Đi chợ nhiều năm nay, bà Phạm Thị Bình (ngụ phường Hòa Hưng, TP Hồ Chí Minh) cho biết, nghe tin bão gió nên gia đình ngại đi chợ, sáng nay đi mua đồ thấy rất tươi ngon, đủ loại. Có điều hiện giờ giá cả các mặt cái gì cũng tăng, mình không thể ăn ít đi, nhất là khi nhà có trẻ nhỏ, nên lựa chọn các mặt hàng giá cả phải chăng hơn để mua.
Theo bà Nguyễn Thị Hà (ngụ phường Tân Mỹ, TP Hồ Chí Minh), giá cả các loại rau vẫn bình ổn, riêng một số loại rau ngon như súp lơ, cải dún trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn vài nghìn đồng 1 kg so với bình thường. Bà Hà cho biết thêm, chợ thường tăng giá vài ngày rồi lại xuống, nhất là những loại rau nhạy cảm với thời tiết. Dù vậy, quen ăn loại rau nào thì mình vẫn mua loại đó, nhiều xe đẩy giá rẻ hơn nhưng không dám mua vì không yên tâm.
Hàng hóa đầy ắp kệ chờ người mua tại siêu thị trên đường Nguyễn Lương Bằng, TP Hồ Chí Minh.
Khảo sát tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hàng hóa trên kệ vẫn dồi dào, trong đó nguồn cung nhóm hàng rau ăn lá đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Theo đại diện hệ thống Lotte Mart, rau ăn lá khá nhạy cảm với thời tiết nên dễ dập, thối khi mưa gió nhiều. Trước diễn biến thời tiết, hệ thống đã lập tức làm việc các nhà cung cấp, đưa ra dự báo sản lượng, chủ động nguồn cung, đồng thời tăng cường nhóm hàng rau thủy canh (canh tác trong nhà) để không hụt hàng trên kệ.
Hàng hóa luôn dồi dào, nhưng sức mua giảm rõ rệt là thực trạng khiến rất nhiều tiểu thương tại chợ đang lo lắng. Ông Lê Phúc Hậu, Trường phòng kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, cầu thấp hơn cung là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức tiêu thụ tại chợ. So với cùng kỳ, sản lượng hàng hóa về chợ đã giảm trên 10%, riêng rau củ, quả giảm 12%.
Các chợ truyền thống cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Theo các tiểu thương tại Chợ Nguyễn Tri Phương, TP Hồ Chí Minh, từ sau đại dịch COVID-19, sức tiêu thụ tại chợ sụt giảm mạnh và không thể phục hồi, hiện chỉ còn hơn 50%. Đáng nói, tình hình ế ẩm ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng hơn trong xu hướng người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng.
Chị Nguyễn Thị Bảo Trân, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Nguyễn Tri Phương cho biết, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến giá thịt lợn từ đầu năm nay có xu hướng tăng, trong khi tiêu dùng giảm, người kinh doanh như tiểu thương rất lao đao. Lượng thịt bán tại chợ đã giảm khá nhiều so với trước đây, mỗi ngày chỉ còn 1 con lợn, mình phải xoay xở nhiều cách để giữ chân khách hàng.
Nhiều tiểu thương kinh doanh hàng chục năm tại đây cũng lo ngại trước thực trạng khách hàng giảm, giá cả leo thang, tiểu thương buộc phải bán giá vốn, lấy công làm lãi để giữ khách quen, mưu sinh qua ngày.
Theo bà Đàm Vân, Phó Ban Quản lý Chợ nguyễn Tri Phương, TP Hồ Chí Minh, sức mua tại chợ ngày càng ảm đạm, do kinh tế khó khăn, người dân thắt lưng buộc bụng. Thêm vào đó, các điểm bán buôn tự phát bên ngoài hay các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mọc lên nhiều, cũng gây áp lực lên chợ. Để duy trì sức mua, giữ mối khách hàng, các tiểu thương tại chợ tích cực tham gia vào chương trình bình ổn của Thành phố, duy trì mặt bằng giá, tăng thêm nhiều hình thức khuyến mãi.
"Chúng tôi luôn tuyên truyền tiểu thương phải luôn chú trọng giữ chất lượng, nhập hàng hóa từ các bạn hàng có đủ giấy tờ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không buôn bán, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng. Bên cạnh đó chúng tôi cũng khuyến khích tiểu thương kinh doanh văn minh, không nói thách giá và tuân thủ việc niêm yết công khai giá bán", bà Vân nhấn mạnh.
Sức mua tại các chợ truyền thống giảm đáng kể trong bối cảnh người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng.
Các chuyên gia thị trường phân tích: Nếu tình trạng tiêu thụ chững lại kéo dài sẽ gây áp lực lên toàn chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. TP Hồ Chí Minh, nơi ngành dịch vụ, bán buôn bán lẻ đóng góp 60% tổng sản phẩm trên địa bàn, càng cần phải có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa hợp lý, tăng niềm tin cho người tiêu dùng.
Hàng hóa dồi dào, đa dạng là một lợi thế của TP Hồ Chí Minh, nhưng nếu sức mua không sớm cải thiện, cả tiểu thương và các nhà bán lẻ hiện đại sẽ còn chật vật. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng không chỉ là giữ ổn định về giá cả và chất lượng, mà còn phải tìm các giải pháp khơi thông dòng chảy thị trường, tránh tình trạng "thừa hàng, đói khách".