Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc 'phủ bóng' chứng khoán châu Á chiều 29/12

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm vào chiều 29/12, khi sự bùng phát của dịch COVID-19 ở Trung Quốc “phủ bóng” lên các thị trường trong khu vực.

Chú thích ảnh
Bảng điện tử hiển thị chỉ số KOSPI giảm điểm tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: YONHAP/TTXVN

Phiên này, chứng khoán Nhật Bản nối bước Phố Wall đi xuống, với việc các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và tránh rủi ro trước kỳ nghỉ lễ Năm mới. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,94% (tương đương 246,83 điểm) xuống 26.093,67 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa ở mức thấp nhất trong hai tháng, ngày giao dịch cuối cùng của năm 2022. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 1,93% (44,05 điểm) và đóng cửa ở mức 2.236,4 điểm.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính không nằm ngoài xu hướng giảm của khu vực khi một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới ở Trung Quốc khiến triển vọng trở nên u ám. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,79% (157,77 điểm) xuống 19.741,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải để mất 0,44% (13,70 điểm) xuống 3.073,70 điểm. Các thị trường khác gồm Sydney, Singapore, Taipei cũng trong vùng giảm điểm.

Giới đầu tư đã phản ứng tích cực với thông tin Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt - vốn đã cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng hiện thời, nhà đầu tư lại lo lắng về tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất tại nước này đối với tình hình lạm phát và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mỹ, Nhật Bản và Italy đã áp đặt các hạn chế đối với du khách đến từ Trung Quốc. Một quan chức cấp cao của Mỹ cảnh báo rằng sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc làm tăng khả năng xuất hiện các biến thể mới.

Nhìn chung, khối lượng giao dịch khá thấp trong tuần cuối cùng của năm 2022. Các nhà đầu tư vẫn lo lắng về viễn cảnh suy thoái kinh tế vào năm 2023 và cách các ngân hàng trung ương - đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - sẽ xử lý cuộc chiến chống lạm phát thế nào.

Fed và các ngân hàng trung ương khác đã nhiều lần tăng lãi suất để kìm hãm giá cả tăng vọt. Nhưng chi phí đi vay cao hơn cũng làm chậm hoạt động của nền kinh tế.

Chuyên gia Craig Erlam của nền tảng giao dịch OANDA cho biết các chủ đề giao dịch chính của năm 2022 sẽ tiếp tục chi phối thị trường vào đầu tháng 1/2023. Đáng chú ý nhất là việc các ngân hàng trung ương sẵn sàng đẩy lãi suất đến mức cao nào để thể hiện quyết tâm đưa lạm phát trở lại ngưỡng mục tiêu.

Theo ông Erlam, nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu giảm bớt đà tăng lãi suất và cũng xuất hiện các dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đã giảm bớt, dù không nhiều như các nhà hoạch định chính sách mong muốn.

Tại thị trường trong nước, vào lúc 15 giờ 45 phút ngày 29/12, chỉ số VN-Index giảm 6,37 điểm (0,63%) xuống 1.009,29 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng để mất 3,89 điểm (1,16%) xuống 332,55 điểm.

H.Thủy (Tổng hợp)
Chứng khoán châu Á chốt phiên 28/12 hầu hết giảm điểm
Chứng khoán châu Á chốt phiên 28/12 hầu hết giảm điểm

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 28/12, theo đà giảm phiên trước trên phố Wall.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN