Thực phẩm, hoa tươi giảm giá mạnh trước ngày rằm tháng Giêng

Các mặt hàng chủ yếu để cúng rằm tháng Giêng như hoa tươi, trái cây, gà làm sẵn nguyên con... đều giảm giá mạnh so với trước Tết Nguyên đán.

Mặt hàng thiết yếu giảm giá mạnh so với trước Tết

Người Việt có quan niệm "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng". Do vậy, những ngày này, người dân rất cẩn thận trong việc sắm lễ để cúng ngày rằm đầu tiên của năm. Các loại thực phẩm thiết yếu phục vụ cho ngày rằm tháng Giêng được các bà nội chợ đặc biệt quan tâm.

Ghi nhận của phóng viên, trước ngày rằm tháng Giêng, các mặt hàng như rau quả, hoa tươi, thịt… đều giảm giá mạnh so với trước Tết Nguyên đán.

Chị Nguyễn Minh Hằng, một người dân sống gần chợ Hôm (Hà Nội) cho biết, các loại hoa quả giảm giá khoảng 30%, các loại hoa giảm giá hơn một nửa. Các loại đồ cúng như: thịt gà làm sẵn, thịt lợn đều giảm giá mạnh. 

Sau Tết, giá nhiều loại trái cây giảm mạnh.

Theo chị Hằng, trước Tết, gà làm sẵn buộc cánh tiên có giá 400.000 đồng/con, có lúc lên tới 500.000 đồng/con. Nhưng hiện nay, chỉ còn 280.000 - 300.000 đồng/con. Hoa hồng để cúng trước Tết 20.000 đồng/bông nhưng hiện nay chỉ còn 5.000 đồng/bông. Hoa ly trước đây 35.000 đồng/cành nhưng nay chỉ còn 12.000 - 15.000 đồng/cành. Hoa quả cũng giảm giá, quả na giáp Tết có giá 100.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 70.000 đồng/kg.

Một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng cho biết, giá thịt lợn sau Tết không tăng, tiêu thụ chậm do nhiều gia đình đã tích trữ nhiều đồ từ trước Tết. Trước Tết, mỗi chiều sạp hàng bán khoảng một con lợn mỗi ngày thì nay chỉ nhập nửa con mà bán vẫn không hết. 

Nhân viên thú y kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở chế biến thịt lợn ở khu giết mổ tập trung Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Riêng mặt hàng rau xanh các loại, trước ngày rằm tháng Giêng rẻ hơn nhiều so với trước Tết. Cụ thể: mùng tơi 5.000 đồng/mớ, cải xanh 4.000 - 5.000 đồng/mớ, cải cúc 2.000 - 4.000 đồng/mớ, bắp cải 10.000 đồng/kg, su hào 5.000 đồng/củ, cà chua 10.000 - 12.000 đồng/kg...

Tuy nhiên, rau muống lại tăng giá gấp rưỡi so với bình thường, hiện khoảng 20.000 đồng/mớ. Theo giải thích của người bán rau, rau muống chưa tới mùa và đợt rét vừa qua làm cho rau muống không phát triển được. Bên cạnh đó, rau muống là một loại rau khá phổ biến nên nhu cầu tiêu thụ mạnh. 

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời tiết năm nay rất thuận lợi cho các loại rau phát triển. Bên cạnh đó, bà con đang sẽ tận thu rau vụ Đông để lấy đất cấy lúa Xuân. Do vậy, nguồn cung rau sẽ tăng, kéo theo giá giảm mạnh.

Giá vàng mã không tăng
  
Phố Hàng Mã (Hà Nội) được biết đến như là một trong những địa điểm bán vàng mã lớn của Hà Nội. Trước lễ cúng rằm tháng Giêng, con phố náo nhiệt hơn mọi ngày. Cửa hàng nào cũng bày biện đủ các loại tiền vàng, cành vàng lá ngọc, hương, nến... phục vụ cho người tiêu dùng.

Một người bán vàng mã tại phố Hàng Mã (Hà Nội) cho biết, mỗi lễ vàng mã có giá 15.000 đồng/mã, mỗi gia đình có thể cúng 1, 3 hoặc 5 lễ. Ngoài ra, nếu cúng sao giải hạn vào ngày mùng 8 hàng tháng thì mua thêm mũ vàng. Tuy nhiên, trong ngày rằm tháng Giêng, chủ yếu người dân vẫn đốt tiền vàng mã và mua nến.

Vàng mã, nến là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh tại phố Hàng Mã (Hà Nội) trong những ngày gần Tết Nguyên tiêu.

Theo chủ cửa hàng này, vào ngày rằm tháng Giêng, lượng người mua vàng mã có tăng nhưng không đột biến vì nhiều gia đình đã mua vàng mã từ trước Tết. Giá vàng mã cũng không tăng so với ngày thường.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (Hàng Bài, Hà Nội), một người mua vàng mã ở đây cho biết, giá vàng mã giao động từ 10.000 - 15.000 đồng/lễ, tùy vào chất lượng. Cành vàng lá ngọc, cành lộc có giá khoảng từ 50.000 - 200.000 đồng tùy loại. Giá cả phụ thuộc nhiều vào mẫu mã, kích cỡ và chất lượng sản phẩm.

Theo anh Tuấn, bên cạnh mặt hàng truyền thống có nhiều loại vàng mã được thiết kế phong phú theo đơn đặt hàng và theo mẫu mới của thị trường. Tuy nhiên, thay vì mua những loại vàng mã đắt tiền, người tiêu dùng nên chọn mua những sản phù hợp, tránh lãng phí. 

H.V/Báo Tin tức
Văn khấn rằm tháng Giêng chuẩn nhất Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018
Văn khấn rằm tháng Giêng chuẩn nhất Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018

Theo truyền thống Phật giáo, ngày rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) là lúc Phật giáng lâm nên đây là ngày rằm quan trọng nhất năm, mang ý nghĩa rất lớn. Đây cũng là thời điểm, đông đảo người dân lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN