Vào lúc 13 giờ 2 phút ngày 11/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giữ ở mức 2.177,24 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống 2.183,90 USD/ounce.
Trong phiên cuối tuần trước (8/3), giá vàng lập mức cao kỷ lục 2.194,99 USD/ounce phiên thứ tư liên tiếp sau dữ liệu báo hiệu thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của công ty tài chính City Index (Vương quốc Anh), nhận định giá vàng sẽ vẫn ở mức cao trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2. Theo ông Simpson, số liệu này là động lực lớn nhất thúc đẩy giá vàng trong tuần này.
Chỉ số CPI “nguội” hơn có thể giúp ích cho việc cắt giảm lãi suất sớm và hỗ trợ giá vàng. Trong phiên điều trần trước Quốc hội vào tuần trước Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã đánh đi tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.
Tại Việt Nam, chiều 11/3, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 80,20 - 82,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu nối dài đà giảm của tuần trước
Trong phiên chiều 11/3, giá dầu kéo dài đà giảm của tuần trước do lo ngại nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc. Song, rủi ro địa chính trị kéo dài tại Trung Đông và Nga đã hạn chế đà sụt giảm của giá mặt hàng này.
Vào lúc 14 giờ 23 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 12 xu (0,2%) xuống 81,96 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 21 xu (0,2%) xuống 77,80 USD/thùng.
Cả hai loại dầu trên đều giảm trong tuần trước, với dầu Brent giảm 1,8% và dầu WTI giảm 2,5% khi dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy nhu cầu của quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới yếu đi.
Ông Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch công ty NS Trading, một đơn vị thuộc công ty chứng khoán Nissan Securities, nhận định lo ngại về nhu cầu yếu tại Trung Quốc đã lấn át việc gia hạn chương trình cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+. Tuy nhiên, theo ông Kikukawa, rủi ro địa chính trị tại Trung Đông và Nga gia tăng sẽ kiểm chế bớt đà giảm của giá dầu.
Tuần trước, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt khoảng 5%, điều mà nhiều nhà phân tích cho là đầy tham vọng nếu nước này không có thêm nhiều biện pháp kích thích.
Số liệu thống kê cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng yếu hơn so với những tháng trước đó. Điều này là tín hiệu về xu hướng giảm sức mua của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Về phía nguồn cung, đầu tháng này, OPEC+ đã đồng ý gia hạn việc cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý II/2023. Theo các nhà phân tích tại ANZ Research, việc OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản xuất cho đến cuối quý II có thể thắt chặt thị trường khi nhu cầu phục hồi sau thời gian tạm lắng theo mùa.
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Chiều 11/3, các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều sau khi báo cáo việc làm của Mỹ làm giảm hy vọng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất của Mỹ. Hiện nay, thị trường đang hướng sự chú ý vào việc công bố dữ liệu lạm phát.
Hoạt động bán ra cổ phiếu trên các sàn châu Á diễn ra sau sự sụt giảm của cả ba chỉ số chính trên Phố Wall trong phiên cuối tuần trước, trong khi các nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về số lần hạ lãi suất mà Fed sẽ thực hiện trong năm nay.
Nền kinh tế Mỹ đã bổ sung thêm 275.000 việc làm trong tháng 2/2024, cao hơn so với dự kiến của các nhà phân tích và tăng so với mức điều chỉnh của tháng 1/2024. Tuy nhiên, báo cáo trên cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,7% lên 3,9%. Báo cáo này được cho là không giải quyết được cuộc tranh luận về thời điểm Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất.
Các nhà giao dịch đang tính đến ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, so với dự báo sáu lần được đưa ra trong ba tháng trước. Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng Mỹ dự kiến công bố ngày 12/3.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,2% xuống 38.820,49 điểm. Chứng khoán Nhật Bản chịu sức ép do đợt bán tháo trong lĩnh vực công nghệ sau khi lĩnh vực này thua lỗ tại New York, trong khi các nhà xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng do đà tăng của đồng yen trước thông tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang xem xét sớm chuyển khỏi chính sách tiền tệ nới lỏng.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 0,7% lên 3.068,46 điểm; còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 1,43% lên 16.587,57 điểm.
Đà tăng điểm của chứng khoán Trung Quốc diễn ra sau số liệu cho thấy giá tiêu dùng Trung Quốc tăng cao hơn dự báo trong tháng trước. Bên cạnh đó, một báo cáo khác cho hay các cơ quan quản lý đã kêu gọi các ngân hàng lớn hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.
Tại thị trường trong nước, khép phiên 11/3, chỉ số VN-Index giảm 11,86 điểm (0,95%) xuống 1.235,49 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 2,48 điểm (1,05%) xuống 233,84 điểm.