Phiên 30/4, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.769,86 USD/ounce trong khi giá vàng Mỹ giao kỳ hạn gần như không đổi ở mức 1.767,7 USD/ounce.
Ông Jeff Wright, Giám đốc đầu tư tại công ty môi giới tài chính Wolfpack Capital nói rằng vàng đã có một tuần đầy thách thức và phải tìm kiếm hướng đi do một số yếu tố chi phối chính đang xung đột với nhau.
Trong phiên giao dịch đầu tuần 26/4, giá vàng ít biến động do các nhà đầu tư đang chờ đợi các tín hiệu chính sách từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến diễn ra trong tuần này.
Sang phiên 27/4, giá vàng giảm nhẹ 0,1% khi giới đầu tư vẫn kiên nhẫn chờ đợi kết quả cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed. Các nhà phân tích cho biết thị trường sẽ theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào từ Fed để xem ngân hàng này có nhìn nhận lạm phát sẽ được duy trì trong dài hạn hay không. Nếu điều đó được khẳng định và dự báo lạm phát sẽ tăng cao hơn, vàng có khả năng vượt mốc 1.800 USD/ounce.
Giá vàng tiến nhẹ 0,2% trong phiên 28/4 sau khi Fed cam kết duy trì chính sách tiền tệ ổn định với lãi suất gần bằng 0%, đồng thời mua trái phiếu số lượng lớn nhằm tiếp tục hỗ trợ tiến trình phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Nhưng mức tăng nhẹ nêu trên đã bị xóa đi khi giá vàng giảm tới hơn 1% trong phiên 29/7 vì lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng cao sau khi nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu sáng sủa mới.
Song dù tiếp tục giảm nhẹ trong phiên 30/4 và ghi nhận mức giảm 0,6% theo tuần, giá vàng thế giới vẫn kết thúc tháng 4/2021 với mức tăng đầu tiên kể từ đầu năm.
Một diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường kim loại quý là giá palladium lần đầu tiên vượt qua mốc 3.000 USD/ounce cũng trong phiên này. Cụ thể, giá palladium đạt mức cao kỷ lục 3.007,73 USD/ounce trước đó đầu phiên rồi sau ổn định ở mức 2.952,69 USD/ounce.
Giá kim loại quý thường được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác để làm sạch khói thải ô tô đã tăng hơn 20% kể từ ngày 16/3, khi nhà sản xuất palladium hàng đầu của Nga Nornickel thông báo rằng lũ lụt tại hai mỏ của họ sẽ khiến sản lượng khai thác suy giảm.
Cùng với đó, giới quan sát đang lo ngại nhu cầu palladium từ ngành công nghiệp ô tô có thể tăng cao hơn nữa sau giai đoạn sản xuất đình trệ do thiếu chất bán dẫn vào đầu năm nay. Tình trạng trên có thể diễn ra trong một thời gian dài và giữ cho giá palladium tăng cao.
Dù vậy, nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết giá palladium khó có thể duy trì trên 3.000 USD/ounce và sẽ bắt đầu giảm khi các nhà sản xuất ô tô chuyển sang bạch kim vốn đang rẻ hơn.
Đối với thị trường vàng, chuyên gia Wright của Wolfpack Capital nhận định giữa lúc bị “mắc kẹt” trong một phạm vi giao dịch, kim loại quý tiếp tục gặp nhiều thách thức trong việc tìm kiếm các yếu tố hỗ trợ trong khi các yếu tố thị trường cơ bản cho thấy vàng nên có mức giá cao hơn. Ông Wright bày tỏ hy vọng rằng các đề xuất chi tiêu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tạo lực đẩy cho vàng đi lên.
Nhà phân tích của Wolfpack Capital cũng cho biết các yếu tố như đồng USD, lạm phát và các dấu hiệu phục hồi khác của nền kinh tế Mỹ sẽ vẫn chi phối thị trường vàng trong tháng 5/2021.
Trong tháng này, giá vàng dự kiến sẽ dao động trong khoảng từ 1.700-1.800 USD/ounce do các nhà đầu tư không có nhu cầu với các tài sản trú ẩn an toàn, ngay cả khi căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn cầu.
Ông Lukman Otunuga, nhà phân tích cấp cao tại sàn giao dịch trực tuyến FXTM cũng cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, đồng USD, sự phục hồi của thị trường tiền tệ. Chuyên gia này cảnh báo giữa lúc các yếu tố xung đột đang tác động mạnh tới thị trường kim loại quý, trong ngắn hạn, giá vàng có thể sẽ trồi sụt mạnh khó lường, cho đến khi một chất xúc tác mang tính định hướng mới xuất hiện.