Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ Trung Quốc ban hành nhiều biện pháp ổn định thị trường, nhằm vượt qua lực cản tâm lý từ việc “gã khổng lồ” bất động sản Evergrande ngừng giao dịch cổ phiếu trên sàn Hong Kong (Trung Quốc).
Khép phiên này, chỉ số Nikkie 225 trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo tăng 275,87 điểm, tương đương 0,77%, đạt 36.026,94 điểm.
Tại các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Hang Seng trên sàn Hong Kong tăng 137,09 điểm, tương đương 0,86%, lên 16.089,32 điểm và chỉ số Shanghai Composite tại sàn Thượng Hải, sau khi tăng vào lúc đầu giờ chiều, đã quay đầu giảm nhẹ 26,87 điểm, tương đương 0,92%, còn 2.883,36 điểm.
Một số loại chỉ số khác như Kospi của Hàn Quốc, IDX của Thái Lan hay PSEI của Phillipine đều nằm trong vùng "xanh dương".
Các chuyên gia kinh tế nhận định tâm lý các nhà đầu tư châu Á nhìn chung khá lạc quan. Mặc dù vậy, sự nhạy cảm với rủi ro địa chính trị ở Trung Đông, đi kèm việc đồng USD mạnh lên và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nhóm họp vào cuối cuần này đã phần nào hạn chế lượng giao dịch mua vào cổ phiếu của các nhà đầu tư.
Nhưng lực cản chính đối với các thị trường chứng khoán châu Á trong cả hai phiên giao dịch ngày hôm nay, chủ yếu đến từ phán quyết thanh lý nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn Evergrande của Tòa án Hong Kong.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên chiều nay, chỉ số VN-Index tăng 0,02 điểm (0,01%) lên 1.175,69 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,17%) xuống 229,05 điểm.
Giá dầu tiếp tục tăng do lo ngại hạn chế nguồn cung
Trên thị trường dầu châu Á, giá dầu trong phiên giao dịch ngày 29/1 tiếp tục tăng lên do lo ngại về nguồn cung bị gián đoạn bởi căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ, trong khi hoạt động xuất khẩu sản phẩm dầu tinh chế của Nga sắp giảm.
Vào lúc 14 giờ 40 phút (theo giờ Việt Nam) giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 26 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 84,38 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 23 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 78,4 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu đều tăng tuần thứ hai liên tiếp, khi lo ngại về nguồn cung tại Trung Đông và Nga mở rộng. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực của Mỹ và các dấu hiệu về gói kích thích của Trung Quốc thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, sẽ họp trực tuyến vào ngày 1/2. Một số nguồn tin nội bộ cho biết OPEC+ có thể sẽ lùi quyết định mức sản xuất dầu trong tháng 4/2024 sang cuộc họp của vài tháng sau, thay vì ấn định mức sản lượng mới trong cuộc họp tới đây.
Vàng thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh rủi ro địa chính trị leo thang
Vào lúc 13 giờ 03 phút ngày 29/1 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay được giao dịch trên các thị trường châu Á tăng 0,4%, đạt mức 2.025,99 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 2.025,20 USD/ounce.
Chuyên gia Tim Waterer, nhà phân tích thị trường cấp cao tại sàn giao dịch chứng khoán, ngoại tệ KCM Trade, cho rằng căng thẳng tại Trung Đông leo thang làm tăng nhu cầu với các tài sản an toàn. Bên cạnh đó, tin tức về việc Evergrande buộc phải rời khỏi thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) cũng tạo ra tác động tiêu cực đến tâm lý ngại rủi ro, hỗ trợ đà tăng của giá vàng.
Mặc dù vậy, đà tăng trước mắt của giá vàng phần nào bị hạn chế do cuộc họp của Fed sắp diễn ra vào cuối tuần này. Các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp trong hai ngày 30-31/1, nhưng sự chú ý đang hướng tới các phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau cuộc họp.
Một loạt số liệu được công bố tuần trước cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý IV/2023, khi sức ép lạm phát giảm và chi tiêu tiêu dùng mạnh lên, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế của năm 2024.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 22,91 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,2% xuống 911,18 USD/ounce và giá palladium giảm 0,3% xuống 952,33 USD/ounce.
Tại Việt Nam, chiều 29/1, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 74,30 - 76,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).