Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm 3,1%, chốt phiên ở mức 25.479,452 điểm. Đây là một ngày giao dịch tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ đầu năm khi mất 800 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tụt 2,9%, xuống mức 2.840,60 điểm, và tương tự, chỉ số Nasdaq Composite rớt 3%, chốt phiên ở mức 7.773,94.
Xu hướng bán tháo hàng loạt trên thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống dưới 1,6% trong cùng ngày và thấp hơn cả lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007 đường cong lãi suất chủ chốt 2 năm và 10 năm đảo ngược nhau, làm gia tăng quan ngại nguy cơ xảy ra đợt suy thoái mới.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á mở đầu phiên giao dịch không mấy thuận lợi sau khi chứng khoán Mỹ lao dốc do quan ngại về kinh tế toàn cầu. Cụ thể, đầu phiên giao dịch 15/8, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,9%, tương đương 398,51 điểm, tạm thời xuống mức 20.256,62 điểm. Trong khi đó, chỉ số Topix sụt 1,01%, tương đương 30,14 điểm, tạm dừng ở mức 1.456,336 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, cổ phiếu Frankfurt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 vừa qua sau khi Đức công bố số liệu tăng trưởng yếu kém liên tiếp trong hai quý. Chỉ số chứng khoán Milan của Italy sụt gần 3%, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với cuộc khủng khoảng chính trị. Chỉ số FTSEurofirst 300 trên sàn chứng khoán châu Âu chốt phiên giảm 1,62%.
Thị trường dầu mỏ cũng ghi nhận xu hướng giảm. Dầu West Texas Intermediate giao kỳ hạn giảm 1,87 USD, xuống còn 55,23 USD/thùng. Giá dầu Brent London giao kỳ hạn giảm 1,82 USD, xuống còn 59,48 USD/thùng.
Trên thị trường kim loại Mỹ, giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,9%, đứng ở mức 1.527 USD/ounce sau khi đường cong trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược và số liệu bi quan về kinh tế Khu vực sử dùng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào các tài sản an toàn.