Số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 10/2019 là 83.392 tỷ đồng, giảm 3% (tương đương 2.617 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 43.543 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,2% tổng số tiền nợ thuế, giảm 12,3% (6.109 tỷ đồng). Tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự…) là 39.848 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,8% tổng tiền thuế nợ, tăng 9,8% (so với cùng kỳ năm ngoái).
Ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Tính đến cuối tháng 10/2019, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu được 27.667 tỷ đồng nợ thuế, bằng 71,4% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018, tăng 0,4%, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.653 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 10.014 tỷ đồng.
Công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng các quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, quy định trình tự thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo các cục thuế xây dựng phương án thu hồi nợ đọng thuế đối với các tổ chức, cá nhân và báo cáo UBND tỉnh, thành phố phê duyệt phương án thu hồi nợ đọng thuế.
“Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế tiến hành phân loại, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị trong việc thu hồi nợ đọng. Nhờ vậy công tác thu hồi nợ đã đạt được những kết quả tích cực. Số nợ thu được hàng năm đạt 80% số nợ có khả năng thu”, ông Đoàn Xuân Toản nói.
Đại diện Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chia sẻ: Hiện việc xử lý nợ đọng được Tổng cục Thuế thực hiện rất chặt chẽ, áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế (7 biện pháp cưỡng chế), khoản nợ thuế phải đủ 10 năm mới được xử lý xóa nợ. Mặc dù cơ quan thuế đã rất nỗ lực nhưng khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi vẫn tăng lên. Nhiều khoản nợ đã kéo dài, nhưng theo quy định (chưa đủ 10 năm) nên không đủ điều kiện để xử lý nợ. Trong khi đó, tiền phạt và tiền chậm nộp (mức 0,03%/ngày) tăng lên theo thời gian mà không có khả năng thu hồi do người nộp thuế đã chết, mất tích, tự giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh, không có khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN). Đây là nguyên nhân dẫn đến nợ thuế không có khả năng thu hồi tăng lên.
“Lãnh đạo Tổng cục Thuế đã yêu cầu các các cục thuế phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính về việc thực hiện chỉ tiêu giảm nợ trong những tháng cuối năm và số tiền nợ phải đạt được tại thời điểm 31/12/2019. Kết quả giảm nợ của các cục thuế sẽ là căn cứ đánh giá thực hiện chỉ tiêu thu nợ và xét thi đua, khen thưởng năm 2019 của các đơn vị và cá nhân”, ông Đoàn Xuân Toản chia sẻ.
Để giảm nợ thuế theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế thực hiện kiên quyết các biện pháp cưỡng chế (trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh) đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Cơ quan thuế ban hành đầy đủ quyết định cưỡng chế đối với người nộp thuế phải cưỡng chế nợ thuế, hoặc phải chuyển sang biện pháp tiếp theo để thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế; tập trung thu hồi các khoản nợ đọng thuế mới phát sinh, không để phát sinh số nợ thuế mới
Thu ngân sách của ngành thuế tăng 12%
Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 10 tháng năm 2019 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 1.031.723 tỷ đồng, bằng 88,3% so với dự toán pháp lệnh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể: Thu từ dầu thô ước đạt 107,9% dự toán, chủ yếu do giá dầu bình quân đạt 67,6 USD/thùng, cao hơn 4,1% so với dự toán; sản lượng đạt 90,6% dự toán. Nguồn thu nội địa ước đạt 87,5% so với dự toán pháp lệnh, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2018. Có 11/18 khoản thu, sắc thuế thu đạt khá (trên 83%); Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực sản xuất kinh doanh tăng 12%.