Diễn biến này xảy ra khi các nhà đầu tư đổ dồn vào các kênh "trú ẩn an toàn", còn các ngân hàng trung ương "mạnh tay" tiến hành các biện pháp kích thích để ngăn chặn tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.811,01 USD/ounce vào lúc 0 giờ 39 phút (ngày 9/7 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tiến thêm 0,6% lên chốt phiên ở mức 1.820,60 USD/ounce.
Trước đó trong cùng phiên, giá vàng đã có lúc lên đến 1.817,71 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 19/9/2011 và chỉ dưới mức cao nhất mọi thời đại 1.920,30 USD/ounce đạt được vào cùng tháng đó.
Ông David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures, cho biết động lực hỗ trợ cho sự tăng giá mạnh mẽ của vàng là các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ từ các chính phủ, cùng với dòng tiền đổ vào các quỹ ETF đầu tư vào vàng cùng những kênh đầu tư khác.
Chuyên gia Meger cho rằng việc thanh khoản được liên tục “bơm” vào thị trường vẫn là yếu tố tích cực nổi bật nhất. Vì đồng USD đã suy yếu và qua đó hỗ trợ giá các loại hàng hóa, cụ thể hơn là vàng và bạc.
Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này giảm 0,45% xuống 96,4337.
Bà Suki Cooper, nhà phân tích của ngân hàng Standard Chartered, cũng nhận định nhu cầu đầu tư vào vàng tăng vọt đã bù đắp cho sự yếu kém trên thị trường mua bán vàng vật chất. Giá vàng tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn, mặc dù vẫn xuất hiện những số liệu kinh tế vĩ mô tích cực và nhà đầu tư có tâm lý muốn chuyển sang các kênh nhiều rủi ro hơn như chứng khoán.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 2,1% lên 18.86 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tiến thêm 0,7% lên 841,54 USD/ounce.
Kết thúc phiên 8/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 49,95 - 50,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).