Động thái này nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong bối cảnh lãi suất cho vay được nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng dự báo là khó giảm trong năm nay.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện VietinBank cho biết: Doanh nghiệp SME rất muốn có chi phí tài chính ổn định để đảm bảo kế hoạch kinh doanh, tránh sự biến động làm giảm khả năng cạnh tranh trên thương trường. Vì vậy, VietinBank đã ra mắt gói tín dụng “Cho vay linh hoạt - lãi suất cố định dành cho khách hàng doanh nghiệp”.
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Hậu Giang (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú), tại KCN Nam sông Hậu, TP Cần Thơ. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN |
“Gói tín dụng nhằm cung cấp vốn lưu động với mức chi phí phù hợp nhất, đảm bảo ổn định theo chu kỳ vòng quay vốn theo đặc thù kinh doanh của từng doanh nghiệp. Tham gia gói tín dụng này, khách hàng có thể lựa chọn linh hoạt thời hạn vay với lãi suất cố định từ 5,2- 6,5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng, giúp khách hàng chủ động cân đối nguồn tài chính và kế hoạch kinh doanh. Thời gian kết thúc đến hết ngày 31/1/2019.
Với mục tiêu luôn chiếm lĩnh vị trí tiên phong trên thị trường, khối khách hàng doanh nghiệp SME của VPBank vừa cho ra mắt sản phẩm tài chính sáng tạo "Tài trợ hóa đơn VAT" dành cho khách hàng.
“Từ tình hình thực tế trong sản xuất kinh doanh và bán hàng của các doanh nghiệp SME, phải lo nguồn vốn ban đầu tương đối lớn, trong khi đó đối tác chỉ tạm ứng một phần nhỏ hợp đồng, thường không đủ để chi trả nguyên vật liệu đầu vào. Chưa kể, sau khi hoàn tất bàn giao đơn hàng thì cần phải chờ tối thiểu 30 ngày mới được thanh toán nốt. Do đó, tình trạng bị “gối đầu vốn” là không tránh khỏi, ít nhiều làm ảnh hưởng đến “sức khỏe” của doanh nghiệp”, lãnh đạo VPBank nói.
Với mong muốn đồng hành cùng phát triển với các doanh nghiệp SME và với hy vọng có thể tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp thông qua các sản phẩm cho vay vốn, VPBank đã đưa ra thị trường gói sản phẩm cho vay theo hình thức thế chấp hóa đơn VAT và hợp đồng kinh tế với tên gọi "Tài trợ hóa đơn".
Theo VPBank, để vay vốn theo hình thức này, doanh nghiệp SME chỉ cần có hợp đồng kinh tế với đối tác uy tín và hóa đơn bán hàng VAT làm tài sản thế chấp. Sau khi thẩm định, doanh nghiệp sẽ được cấp hạn mức tín dụng lên tới 90% giá trị hóa đơn VAT và với thời hạn cho vay lên tới 06 tháng. Nguồn vốn vay sẽ được giải ngân tối đa trong vòng 24 giờ làm việc kể từ khi hồ sơ được phê duyệt.
“Tài trợ hóa đơn" tuy không phải là sản phẩm mới trên thị trường tài chính Việt Nam nhưng VPBank được xem là ngân hàng đầu tiên mang gói giải pháp này đến với doanh nghiệp SME trên diện rộng, thay vì chỉ hướng tới phân khúc SME cao cấp. Bên cạnh đó, VPBank còn linh hoạt triển khai với một số khách hàng đặc thù, giống như đã triển khai các sản phẩm trước đó, trên tinh thần tin tưởng vào uy tín cũng như năng lực của doanh nghiệp, chứ không chỉ cứng nhắc xem xét dựa trên bề mặt hồ sơ giấy tờ.
Nhằm phát triển các sản phẩm dịch vụ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhu cầu vốn theo từng ngành đặc thù chuyên biệt, SeABank hiện triển khai sản phẩm tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thi công xây lắp trên toàn quốc. Khách hàng sẽ nhận ưu đãi đặc biệt với tỷ lệ cấp tín dụng tối đa lên tới 100% giá trị tài sản đảm bảo, tỷ lệ cho vay tối đa từng công trình lên tới 80% giá trị hợp đồng thi công xây lắp theo Sản phẩm này.
Cụ thể, khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực thi công xây lắp là Nhà thầu chính, Nhà thầu phụ, Nhà thầu liên danh đã trúng thầu/được chỉ định thầu hoặc đã ký hợp đồng đầu ra với chủ đầu tư/nhà thầu chính để thực hiện các gói thầu xây lắp có thể đăng ký ngay để sử dụng sản phẩm này. Khách hàng sẽ được cấp tín dụng dưới các hình thức bao gồm Cho vay bổ sung vốn lưu động từng lần hoặc theo hạn mức tín dụng, mở L/C nhập khẩu, Phát hành Bảo lãnh với thời hạn cho vay lên tới 12 tháng. Riêng đối với bảo lãnh hoàn tiền tạm ứng, Sản phẩm cung cấp phương thức tài trợ, quản lý và giải tỏa tiền tạm ứng phù hợp với tình hình thi công thực tế của công trình/dự án.
Đặc biệt, ngoài việc nhận tài sản bảo đảm theo đúng quy định hiện hành của SeABank (giấy tờ có giá, bất động sản, phương tiện vận tải…), Ngân hàng chấp nhận tài sản bảo đảm là Quyền đòi nợ đã hình thành hoặc Quyền đòi nợ hình thành trong tương lai.
Trước đó theo nhiều dự báo của các chuyên gia, cơ hội giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là rất khó khăn. Vì vậy, việc các ngân hàng đưa ra các gói vay linh hoạt, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh được xem là nỗ lực lớn.
Theo ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cuối năm 2017 lãi suất đã giảm nhẹ nên năm 2018 nếu lãi suất không giảm được thì giữ mức như 2017 là "tương đối tốt". "Doanh nghiệp thường bàn giảm lãi suất nhưng thực tế nền kinh tế Việt Nam đầu tư, kinh doanh trên vay nợ còn Nhà nước muốn đầu tư cũng phải đi vay trái phiếu, doanh nghiệp phải vay ngân hàng. Doanh nghiệp nên cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp để giảm tỉ lệ vay, nhưng vẫn hy vọng năm nay có thể giảm lãi suất chút", ông Lịch nói.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hai biến số lãi suất và tỉ giá là khó nhất với 2018 và việc dự báo là câu chuyện rất khó. Vì ngoài yếu tố sức ép lạm phát còn có lãi suất USD có xu hướng tăng hơn mà chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, phải quan tâm rất nhiều cho ổn định tỉ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm VND.
"Bằng quyết tâm cũng có thể giảm được lãi suất nhưng khó hơn nhiều so với 2017. Nếu giảm được lãi suất thì chỉ có cách hạ lãi suất huy động, nhưng có hạ được không còn phụ thuộc vào việc này có làm thay đổi nguồn huy động của ngân hàng hay không? Dân có chuyển kênh đầu tư hay không", ông Ngoạn đặt vấn đề. "Muốn giảm lãi suất thì phải cải thiện tình hình đó, do đó đây vẫn sẽ là bài toán khó với Ngân hàng Nhà nước trong năm 2018", ông Ngoạn nhìn nhận.