Lãi suất tiền gửi tạo đáy mới
Ngân hàng BIDV và VietinBank vừa công bố giảm lãi suất huy động trực tuyến xuống mức thấp hiếm thấy.
Ngoài giữ nguyên mức lãi suất 3,2%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng, BIDV giảm lãi suất ở các kỳ hạn còn lại. Cụ thể, kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 3,5%/năm, bằng với Vietcombank; kỳ hạn 6 - 11 tháng giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm xuống còn 4,5%/năm (vẫn cao hơn 0,2%/năm so với Vietcombank). Trong khi đó, các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 5,3%/năm (bằng với lãi suất cùng kỳ hạn tại Vietcombank).
Với VietinBank, tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng cũng được giữ nguyên mức lãi suất 3,4%/năm (bằng với Agribank). Tuy nhiên, kỳ hạn 3 - 5 tháng vừa được giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 3,75%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm xuống còn 4,6%/năm; từ 12 - 36 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 5,3%/năm.
Với các ngân hàng thương mại nhỏ, lãi suất tiền gửi tiết kiệm thông thường 12 tháng cao nhất của các ngân hàng đều dưới 6,5%/năm, chỉ một ngân hàng duy nhất duy trì lãi suất 6,5%/năm là PvcomBank.
Cụ thể, kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng NCB có lãi suất 6,4%/năm; tiếp đến HDBank và CBBank là 6,3%/năm; SacomBank lãi suất 6,2%/năm; Bac A Bank, Viet A Bank, BaoVietBank, OCBBank, SHB, LPBank lãi suất đều 6,1%/năm; SCB, BVBank, Dong A Bank lãi suất 6,05%/năm; Viet Bank lãi suất 6%/năm; các ngân hàng còn lại đều dưới 6%/năm.
Với kỳ hạn 9 tháng, theo thống kê, hiện chỉ còn 5 ngân hàng duy trì lãi suất huy động từ 6% trở lên (cao nhất 6,4%/năm) là PVCombank, NCB, HDBank, Bac A Bank và CBBank.
Tuy nhiên, với hạn mức từ 12 tháng trở lên hoặc có mức tiền tỷ trở lên, lãi suất sẽ dao động từ 6,5% đến 11%/năm. Cụ thể, PVcomBank đã đứng đầu thị trường khi áp dụng lãi suất lên tới 11%/năm với kỳ hạn gửi 12 - 13 tháng và yêu cầu số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Xếp thứ hai là HDBank áp dụng mức 8,9%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 300 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ đầu tháng 10/2023, đã có 15 ngân hàng giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,2 - 0,6 điểm gồm: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, BaoViet Bank, Techcombank, SeABank, Viet A Bank, PG Bank, VietBank, Dong A, BankLPBank, Nam A Bank, CBBank, ACB và Bac A Bank. Trong đó, Viet A Bank là ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất tới hai lần trong tháng này. Ngược lại, đã có một ngân hàng tăng lãi suất huy động là GPBank vào ngày 4/10.
Lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong quý 4
Theo công bố kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 4/2023 vào ngày 6/10 của Vụ Dự báo, Thống kê của NHNN, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng trong quý 3/2023 là “cải thiện” đạt mức thấp hơn so với quý 2/2023 và thấp hơn mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán và thẻ được nhận định tiếp tục “cải thiện” ở mức thấp trong quý 3/2023 so với quý trước.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể “cải thiện” tốt hơn trong quý 4/2023 do kỳ vọng tình hình kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Trong cả năm 2023, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng được dự báo “tăng” với tốc độ chậm lại so với năm 2022.
Theo đó, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý 4/2023 và tăng 8,7% trong năm 2023. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,6% trong quý 4/2023 và cả năm tăng 12,3%. Các tổ chức tín dụng cũng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý 4/2023 và cả năm 2023; đồng thời kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống tiếp tục giảm 0,26 - 0,35 điểm phần trăm.
“Lãi suất tiền gửi sẽ có xu hướng giảm tiếp và lãi suất tiết kiệm giảm sẽ tạo thành một lực hỗ trợ rất bền vững cho việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Vì chỉ khi nào các ngân hàng giảm được lãi suất huy động, tức là lãi suất đầu vào thì việc giảm lãi suất đầu ra mới trở thành bền vững; chỉ khi nào thị trường có thanh khoản dồi dào thì khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của ngành ngân hàng mới mạnh mẽ được", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc ngân hàng OCB chia sẻ.