Để hút dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng: Cần phải khơi thông kết nối 3 bên là ngân hàng - nhà cung cấp dịch vụ - khách hàng, để tiền mặt của người dân “đi vào” hệ thống thẻ, ví điện tử, tài khoản ngân hàng.
“Ví dụ ngân hàng muốn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân khi trả tiền điện, ngân hàng phải kết hợp với ngành điện; phải thống nhất chủ trương và kết nối hệ thống dữ liệu tích hợp, từ đó cung cấp dịch vụ cho người dân”, ông Đình Thắng nói.
Tại sự kiện Banking Vietnam 2019 với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt” diễn ra ngày 30/5. ông Nguyễn Đình Thắng kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có chính sách phát triển hệ thống đại lý 24/7 để bất cứ điểm nào, kể cả lúc nửa đêm, khách hàng vẫn nạp được tiền; cần cho phép các ngân hàng tự chọn, xét duyệt các đại lý hỗ trợ nạp tiền mặt vào ngân hàng số, ví điện tử và được nhận một khoản phí. Khi cần, khách hàng vẫn có thể được phép rút tiền ra.
Theo ông Phạm Duy Hiếu - Quyền Tổng Giám đốc ABBank, ngân hàng đang tích cực phối hợp với các đơn vị đối tác kinh doanh, ví điện tử để triển khai dịch vụ thanh toán online đa dạng. ABbank đang lên kế hoạch làm việc các đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ về giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục, điện, nước…và các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực công để tích hợp thanh toán trên nền tảng thẻ chíp nội địa không tiếp xúc (contactless).
Theo Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phùng Nguyễn Hải Yến, Vietcombank đã và đang quan tâm đẩy mạnh phát triển công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, đi đầu trong phát triển các dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt như: Thẻ, chuyển tiền qua internet, điện thoại thông minh với doanh số phát hành thẻ lớn và mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ rộng khắp. Vietcombank hiện đã triển khai dịch vụ nộp tiền điện cho các hộ gia đình, các dịch vụ xã hội khác..
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2018 được NHNN đánh giá tăng trưởng ấn tượng. Số lượng thẻ đến tháng năm 2018 đạt 147,3 triệu thẻ. Máy ATM, POS đạt lần lượt 18.587 và 243.123 máy.
Nhiều ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng như: Xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt...); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi...
Việc thanh toán bằng QR code hay còn gọi là một chạm, được các tổ chức quan tâm để thúc đẩy thanh toán qua điện thoại di động. Đến nay, đã có 16 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán này, toàn thị trường có 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.
Giao dịch qua ATM trong quý 1/2019 đạt 232,8 triệu giao dịch với giá trị 676.550 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoài. Giao dịch qua POS cũng tăng trưởng ấn tượng hơn 50% so với quý 1 năm ngoái, đạt 55,8 triệu giao dịch với 132.922 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn những hạn chế như: Hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán điện tử chưa đồng bộ, mới tập trung ở các thành phố, đô thị, thiếu trang bị ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, người dân phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt do tâm lý e dè, ngại tìm hiểu, sợ rủi ro đã khiến người tiêu dùng hạn chế thanh toán điện tử.
Để thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển thanh toán điện tử trong giai đoạn tới, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, cần chú ý tới xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm và hành vi người tiêu dùng để có sự thay đổi mạnh mẽ, từ tương tác giới hạn trong môi trường off-line (gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng) sang môi trường giao dịch trực tuyến không gặp mặt (on-line); tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục, mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.
Đánh giá về thực trạng tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính tại Việt Nam hiện nay, Phó Thống đốc NHNN cho rằng: Những năm qua, đời sống của người dân Việt Nam được cải thiện đáng kể, nhất là tiếp cận các dịch vụ cơ bản như: Giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc tiếp cận còn nhiều khoảng trống, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở mức thấp. Mặc dù, các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng được cung cấp khá đầy đủ, đa dạng nhưng chỉ mới phổ biến ở thành thị mà thiếu nhiều ở nông thôn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do độ bao phủ của các điểm cung cấp dịch vụ còn mỏng; chi phí vật chất và phi vật chất vẫn là rào cản lớn đối với người nghèo, người thu nhập thấp đến với các dịch vụ tài chính chính thức. Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết tài chính của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế.
“Bối cảnh mới này đòi hỏi các ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới; đẩy mạnh khai thác, phân tích dữ liệu thông minh để thấu hiểu khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.