Hỗ trợ lãi đúng đối tượng, ngăn chặn lợi dụng COVID-19 để trục lợi 

TS Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước- NHNN) - cho biết: Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch COVID-19 đã được các ngân hàng xem xét, áp dụng trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng thiệt hại của từng khách hàng, đảm bảo đúng thực trạng nhằm ngăn chặn lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Chú thích ảnh
Nhiều ngân hàng vào cuộc công bố gói giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: L.Quang.

Trước mắt, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến, tác động của dịch bệnh lên tăng trưởng, lạm phát để điều hành linh hoạt, thận trọng các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng điều chỉnh trạng thái chính sách tiền tệ nếu cần, hài hòa trong mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, gỡ khó cho nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. 

Ngày 21/2 là hạn cuối cùng các tổ chức tín dụng (TCTD) phải báo cáo về hoạt động kinh doanh đối với những khách hàng có sử dụng vốn vay ngân hàng để NHNN có những quyết định chính sách. Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) như: BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, VPBank, ABBank…đã có các giải pháp hỗ trợ khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

“Nhiều TCTD đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN trong việc xây dựng các kịch bản hành động hỗ trợ khách hàng. Nổi bật Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5% lãi suất trung, dài hạn. Đối với khách hàng vay USD hiện hữu sẽ giảm lãi suất 0,5%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 0,75%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn; BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với lãi suất 5,5%/năm trong tối đa 4 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Ngoài ra, BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng áp dụng mức lãi suất cho vay từ 6,5%/năm và từ 7,5%/năm cho các khách hàng cá nhân thông thường vay sản xuất kinh doanh. Các NHTM cổ phần khác cũng nhập cuộc tốt đều đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm”, TS Nguyễn Quốc Hùng nói. 

Tại cuộc họp với các ngân hàng mới đây,  Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, việc các ngân hàng phải bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng cũng như việc phân loại, xử lý nợ xấu; đồng thời, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19 và NHTM cũng phải xây dựng cho mình một sức đề kháng, đừng quá ỉ lại vào các chính sách hỗ trợ của của Nhà nước; cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để chính sách hỗ trợ đến đúng với những doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn vì dịch bệnh, tránh những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho rằng: Quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp phải tìm được thị trường mới, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững hơn và giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường, một nhóm hàng nào đó… Những điều này ngân hàng không thể làm thay doanh nghiệp.

"Về phía các TCTD phải thực hiện nghiêm túc việc trích lập dự phòng rủi ro để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra trong quá trình hoạt động. Đối với hoạt động tín dụng, theo quy định hiện hành, với mỗi đồng vốn cho vay ra các ngân hàng phải trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Đó là nguồn lực để các ngân hàng xử lý những rủi ro không mong muốn, những rủi ro bất khả kháng liên quan đến hoạt động cho vay. Mặc dù việc trích lập dự phòng lớn sẽ ảnh hưởng tới doanh thu lợi nhuận của các ngân hàng việc hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay cũng là tự cứu chính mình", TS, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo NHNN, tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.164.561 tỷ đồng, giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước. Trong đó giảm chủ yếu ở một số ngành bị ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến – chế tạo chiếm tỷ trọng 16,48% GDP, và chiếm tới 14,52% tổng dư nợ nền kinh tế; kế đến nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 13,96 GDP và dư nợ tín dụng chiếm 8,74% tổng dư nợ nền kinh tế và nhiều ngành khác dự kiến bị tác động mạnh như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may và da giày, du lịch, thương mại... Theo đó tiềm ẩn nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng. Tính đến ngày 12/2 của 43 TCTD, dự kiến dư nợ có khả năng bị ảnh hưởng do dịch chiếm khoảng 13% dư nợ của các TCTD này, khoảng 950 nghìn tỷ đồng. Trong đó các NHTM Nhà nước đánh giá dư nợ bị ảnh hưởng tới gần 600 nghìn tỷ đồng. 

Để tạo điều kiện cho các TCTD có thể đẩy mạnh cho vay phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng, TS Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị Chính phủ cho phép đối tượng khách hàng chưa trả được nợ vay ngân hàng đến hạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được hưởng cơ chế cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ tương tự như cơ chế tại Nghị định 55 và Nghị định 116 đối với khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở chấp thuận của Chính phủ, NHNN sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD thực hiện cụ thể. 

Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài và tác động bất lợi đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, lãnh đạo NHNN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành chính sách tổng thể có thể là Nghị định của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Trong đó, NHNN đề xuất một số giải pháp như nghiên cứu để xây dựng chương trình tín dụng hỗ trợ đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức lãi suất thấp. Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất/cấp bù lãi suất từ ngân sách Nhà nước. 

Minh Phương/Báo Tin tức
Ngân hàng tung gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19
Ngân hàng tung gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19

Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tung ra các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất hỗ trợ khách hàng vay mới, hoặc giảm lãi suất trực tiếp cho các doanh nghiệp đã vay, nhằm chia sẻ khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN