Huyện Vĩnh Linh là địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất Quảng Trị với khoảng trên 1.290 ha đang cho thu hoạch, chiếm khoảng 50% tổng diện tích cây trồng này của tỉnh. Hồ tiêu vào vụ thu hoạch từ khoảng tháng 6 đến giữa tháng 7 hàng năm.
Vụ năm nay, người trồng hồ tiêu ở huyện Vĩnh Linh phấn khởi do được mùa được giá. Cụ thể năng suất hồ tiêu đạt trên 13 tạ/ha, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,7 tạ/ha. Tổng sản lượng hồ tiêu của huyện Vĩnh Linh trong vụ này đạt khoảng 1.680 tấn. Đặc biệt giá hồ tiêu đã tăng cao và có xu hướng tiếp tục tăng. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục cho biết, giá hồ tiêu khô đã tăng cao, hiện ở mức từ 180.000 – 190.000 đồng/kg, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2023, do đó người trồng loại cây lấy hạt này rất phấn khởi.
Tương tự người trồng hồ tiêu ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh cũng phấn khởi do được mùa được giá. Hồ tiêu là một trong ba cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh Quảng Trị, cùng với cao su và cà phê. Thương hiệu “Tiêu Quảng Trị” vốn đã nổi tiếng bởi có mùi thơm, vị cay rất đặc trưng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Để phát triển bền vững hồ tiêu, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nhân rộng mô hình sản xuất tiêu hữu cơ.
Theo đó tham gia sản xuất tiêu hữu cơ, nông dân không sử dụng phân bón vô cơ, chỉ tận dụng phân hữu cơ từ chăn nuôi để bón cho hồ tiêu, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học để thay thế thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình sản xuất tiêu hữu cơ, mỗi héc-ta cho năng suất từ 1,1 - 1,2 tấn/vụ, có đầu ra ổn định, giá bán cao, cho thu lãi từ 80 -100 triệu đồng/ha cao hơn nhiều so với trồng hồ tiêu truyền thống.
Ngoài ra người trồng hồ tiêu ở Quảng Trị cũng chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động kết hợp bón phân; ứng dụng công nghệ cao vào sơ chế, bảo quản các sản phẩm tiêu đen, tiêu trắng, tiêu ngũ sắc nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều nước.
Hồ tiêu Quảng Trị đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Theo đó năm 2014 Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu ở thị trấn Hồ Xá và các xã: Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nam thuộc huyện Vĩnh Linh. Tháng 4/2018, Cục Sở hữu Trí tuệ mở rộng khu vực chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu ở Quảng Trị, bằng việc thêm các vùng trồng hồ tiêu ở các huyện: Cam Lộ; Gio Linh; Vĩnh Linh và Hướng Hóa được chứng nhận chỉ dẫn địa lý...