Theo đó, cơ quan thuế các cấp không kiểm tra định kỳ năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tiến tới thanh, kiểm tra điện tử, trên cơ sở sử dụng tối đa cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, để tránh sự nhũng nhiễu doanh nghiệp, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính khi thi hành công vụ của công chức thuế, nhất là những công chức thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, vi phạm kỷ cương, kỷ luật của ngành.
“Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất, cố tình gây phiền hà, sách nhiễu tổ chức và cá nhân nộp thuế dưới các hình thức đình chỉ công việc; đưa vào diện tinh giản biên chế”, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hướng dẫn người nộp thuế nộp giấy đề nghị gia hạn theo nhiều phương pháp như: Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đường bưu điện và tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của cơ quan thuế, đảm bảo hệ thống CNTT vận hành thông suốt 24/7.
Để kịp thời khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các vụ, đơn vị khẩn trương hoàn thành và ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị quyết 94 về xử lý nợ thuế, đưa Thông tư vào cuộc sống từ 1/7/2020, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; đồng thời, cũng làm giảm số nợ của ngành Thuế xuống (dự kiến khoảng 16.000 tỷ đồng).
Thông tin từ Tổng cục Thuế chiều 11/6 cho hay: Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 5 tháng năm nay đạt 502.606 tỷ đồng, bằng 40,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2019. Về tổng thể, thu 5 tháng tiến độ thu vẫn đạt 40,1%, tương đương mức thực hiện năm 2019.
“Thu nội địa lũy kế 5 tháng mới đạt được 36,3%, thấp nhất trong nhiều năm qua cả về tiến độ và tốc độ. Năm 2016 thu đạt 40,6% mức thu cả năm, tăng 12,1% so cùng kỳ; năm 2017 tỷ lệ này tương ứng đạt 40,6%, tăng 10%; năm 2018 đạt 41,7%, tăng 13,6%; năm 2019 đạt 42%, tăng 15,5%; năm 2020 đạt 36,3%, giảm 7,7%”, ông Cao Anh Tuấn dẫn chứng.
Theo Tổng cục Thuế, mức thu sụt giảm diễn ra nhanh ở hầu hết các địa phương và tập trung ở các khoản thu, sắc thuế lớn, có kỳ khai thuế tháng như: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhận xét về chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất mà ngành Thuế đang thực thi theo Nghị định 41, ông Lại Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal cho rằng: Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ cần thiết và cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Lại Ngọc Thanh, để tái khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chính là nguồn lực tài chính để trước mắt có thể tồn tại, duy trì hoạt động, ổn định và xa hơn là lấy lại quy mô và vị thế như trước khi có dịch bệnh. Ngoài những nguồn lực về vốn tự thân, vốn vay tín dụng, doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ tại thời điểm này.
Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có những chỉ đạo sát sao cũng như kịp thời triển khai việc thông tin, tuyên truyền, nâng cấp các tiện ích cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tiếp cận và thụ hưởng được chính sách về thuế theo Nghị định 41. "Bên cạnh những doanh nghiệp, người nộp thuế đã có thông tin, tiếp cận được chính sách về thuế theo Nghị định số 41 thì cũng có những doanh nghiệp, người nộp thuế chưa biết được hoặc còn có những lo ngại nào đó (về thủ tục hành chính) nên chưa thực hiện quyền lợi của mình. Trong khi đó, thời hạn để nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không còn nhiều, chậm nhất là ngày 30/7", ông Lại Ngọc Thanh nói.