Anh Nguyễn Thành Dũng ở xã Tân Mỹ, huyện Thành Bình cho biết, anh đang xuống giống hơn 1ha lúa Đông Xuân sớm, nhưng do giá phân lên quá cao ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Hiện giá phân DAP 980.000 đồng/bao (50kg), Đạm Cà Mau 830.000 đồng/bao, Kali 780.000 đồng/bao…, đa số đều tăng so với cách đây 2 tháng, mỗi bao phân 50 kg tăng từ 300.000-400.000 đồng.
Anh Dũng cho biết thêm, mỗi héc ta sản xuất lúa Đông Xuân phải bón từ 600-700 kg phân các loại. Nếu giá phân tăng cao, theo anh Dũng dự tính giá lúa từ 5.000-5.500 đồng/kg, thì mùa vụ Đông Xuân từ hoà đến lỗ vốn.
Nguyên nhân phân tăng giá, nhiều doanh nghiệp cho rằng, do nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, cùng với đó chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển tăng cao khiến giá vật tư nông nghiệp trong nước tăng cao.
Trước việc tăng giá phân, nông dân, các hợp tác xã ở tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá để người nông dân, hợp tác xã yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cần có sự kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp nhằm tránh tình trạng phân bón kém chất lượng tràn lan trên thị trường...
Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng tăng giá, bán hàng không đảm bảo chất lượng, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo ông Ông Huỳnh Tất Đạt, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến khá phức tạp, việc thiếu nguyên liệu, chi phí vận tải tăng có thể sẽ còn diễn ra. Chính vì vậy, nông dân cũng không nên trông chờ mà phải tự đổi mới, chủ động hơn trong việc sản xuất của mình bằng việc giảm giống gieo sạ, áp dụng "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng"... để tự giảm chi phí sản xuất.