Chốt phiên cuối tuần ngày 21/9, thị trường vàng nhẫn tại một số đơn vị như Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI hay Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu... neo giá mua vào ở ngưỡng cao kỷ lục 78,9 - 79,5 triệu đồng/lượng, giá bán cũng đạt đỉnh lịch sử 80,2 - 80,75 triệu đồng/lượng.
So với giá chốt cuối tuần trước, vàng nhẫn mua vào tăng khoảng 1,1 - 2,1 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn bán ra tăng khoảng 1,1 - 1,85 triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng biến động mạnh nhưng chênh lệch mua - bán lại có chiều hướng giảm. Mức chênh hiện tại khoảng 1,1 đến dưới 1,4 triệu đồng, thấp hơn so với mức 1,2 - 1,6 triệu đồng cuối tuần trước.
Trong khi đó, sau nhiều ngày đứng giá, thị trường vàng miếng trong nước đã bật tăng 1,5 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch ngày 17/9. Giá mua - bán vàng miếng từ mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng tăng lên lên 80 - 82 triệu đồng/lượng. Đây là phiên biến động đầu tiên sau 11 ngày đi ngang của vàng miếng.
Đi ngang trong phiên 18/9, sau đó đến ngày 19/9, vàng miếng quay đầu giảm 200.000 đồng/lượng, đưa giá mua - bán hạ về 79,80 - 81,80 triệu đồng/lượng. Đây là phiên thứ hai có sự điều chỉnh của thị trường vàng miếng.
Phiên 20/9, nhịp tăng lại xuất hiện, vàng miếng lấy lại 200.000 đồng đã mất trong phiên 19/9 để trở lại vùng giá 80 - 82 triệu đồng/lượng (mua - bán) và duy trì mức này tới phiên cuối tuần 21/9.
Sau 3 phiên điều chỉnh trái chiều, thị trường vàng miếng ghi nhận đà tăng 1,5 triệu đồng mỗi lượng trong cả tuần. Với mức chênh mua - bán duy trì khoảng cách 2 triệu đồng.
Mốc 82 triệu đồng của vàng miếng SJC hiện cao hơn vàng thế giới 1,9 triệu đồng, tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Dự báo diễn biến giá vàng tuần tới, giới chuyên gia cho rằng, giá vàng tuần tới có thể tiếp tục tăng khi giá vàng ngoại lập đỉnh mới.