Cụ thể, vào lúc 1 giờ 12 phút sáng ngày 9/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.297,84 USD/ounce, sau khi có lúc tăng 1% và vọt lên 1.303,61 USD/ounce - mức cao nhất kể từ ngày 28/3. Trong khi giá vàng Mỹ giao dịch kỳ hạn tăng 0,5% lên khép phiên ở mức 1.301,9 USD/ounce.
Chuyên gia Bart Melek, thuộc TD Securities tại Toronto, nhận định việc đồng USD yếu đi và sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro có phần giảm sút cộng với hoạt động mua vào vàng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc là những yếu tố đẩy giá vàng lên 1.300 USD/ounce. Thống kê cho thấy tính đến cuối tháng Ba, Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng của nước này 0,6% lên 60,62 triệu ounce.
Trong khi đó, đà phục hồi của thị trường chứng khoán có dấu hiệu ngừng lại trong phiên này, còn chỉ số đồng USD giảm 0,3% so với giỏ sáu tiền tệ chính trên thị trường. Sự suy yếu của đồng bạc xanh khiến vàng trở nên hấp hẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Hiện nay thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp trong tháng Ba của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), dự kiến công bố ngày 10/4, để có thêm thông tin về chính sách tiền tệ trong tương lai của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chuyên gia Melek cho rằng nếu Fed bàn luận về việc cắt giảm lãi suất, đồng USD có thể sẽ giảm giá và hỗ trợ thị trường vàng.
Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 3% trong tuần trước, mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ cuối tháng 11/2016.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim giao ngay tăng 1,6% lên 909,25 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên 914,74 USD/ounce. Còn giá bạc tăng 1,1% lên 15,25 USD/ounce.