Chiều phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.793,52 USD/ounce, sau khi giảm 0,9% vào phiên trước đó, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 5/11. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng tiến 0,5%, lên 1.793,50 USD/ounce.
Giá kim loại quý này đã giảm khoảng 4,5% so với mức cao nhất trong 5 tháng vừa đạt được hồi tuần trước, do kỳ vọng rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể đẩy nhanh tốc độ bình thường hóa chính sách tiền tệ trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng mạnh. Những đồn đoán đó đã giúp củng cố chỉ số đồng USD, ổn định ở mức cao nhất gần 16 tháng vào ngày 24/11. Điều này đã tạo thêm áp lực lên vàng, khi kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, nhận định rằng vàng không có khả năng tạo ra một đợt phục hồi đáng kể để vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce, trừ khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Mỹ ngừng tăng trong tuần này. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Mỹ hiện không còn cách xa mức cao nhất kể cuối tháng 10 được ghi nhận vào đầu tháng này.
Sự chú ý của các nhà đầu tư đang chuyển sang một loạt các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), tăng trưởng GDP quý III/2021 và biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 24/11 (giờ địa phương).
Hareesh V, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Geojit Financial Services ở Kochi (Ấn Độ), cho biết mặc dù dữ liệu gần đây của Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ khá tích cực, nhưng sự không chắc chắn về đà phục hồi của thị trường việc làm có thể ngăn Fed đẩy nhanh việc rút lại các chương trình kích thích kinh tế trong vài tháng tới, qua đó sẽ hỗ trợ vàng.
Cũng trong phiên này, giá bạch kim tăng 1,3% lên 981,86 USD/ounce, còn giá palladium tăng 2%, lên 1.905,96 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc lại hạ 0,3%, xuống 23,59 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, vào lúc 16 giờ 00 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 59,45 - 60,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).