Đà tăng của giá vàng trong phiên này được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, trong khi giới đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để có thêm định hướng về triển vọng chính sách của ngân hàng này.
Chiều 7/7, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 1.803,06 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 17/6 là 1.814,78 USD/ounce vào phiên trước đó. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,5%, lên 1.803,80 USD/ounce.
Nhà phân tích Warren Patterson của ING cho biết, lợi suất trái phiếu Mỹ giảm đang hỗ trợ phần nào cho giá vàng, trong khi đồng USD suy yếu vào đầu phiên cũng giúp vàng hưởng lợi.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện ở gần mức thấp nhất trong hơn 4 tháng. Lợi suất trái phiếu giảm làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời. Trong khi đó, chỉ số đồng USD giảm nhẹ sau khi tăng 0,4% trong phiên trước.
Giới đầu tư hiện đang chờ đợi biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, dự kiến được công bố vào cuối ngày 7/7, qua đó có thể làm sáng tỏ hơn định hướng lãi suất của ngân hàng này sau khi để ngỏ khả năng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến vào tháng trước.
Ông Patterson cho rằng biên bản cuộc họp này của Fed sẽ chỉ xác nhận rằng chính sách của ngân hàng này đang trở nên “diều hâu” hơn, vì vậy dễ nhận thấy giao dịch vàng thấp hơn. Vàng vốn rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết, sự bất ổn gia tăng xung quanh các chính sách tiền tệ, lạm phát và rủi ro biến động thị trường chứng khoán ngày càng tăng sẽ tạo lợi thế cho nhu cầu vàng, vốn được coi là “nơi trú ẩn an toàn”.
Cũng trong phiên này, giá bạc tăng 0,9%, lên 26,38 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium tăng 0,2%, lên 2.799,67 USD/ounce và giá bạch kim ổn định ở mức 1.091,67 USD/ounce.
Tại Việt Nam, chiều ngày 7/7, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,85 - 57,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).