Khoảng 14 giờ 21 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.851 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,6% lên 1.857,70 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,4%, sau khi leo lên mức cao của hai tuần hôm 3/1. Đồng USD suy yếu khiến vàng rẻ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác.
Hareesh V, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính Geojit Financial Services ở Kochi, Ấn Độ, cho biết biên bản cuộc họp tháng 12 có thể đưa ra manh mối về quyết định chính sách của Fed và điều này sẽ có tác động đến đồng USD và vàng.
Những lo ngại về suy thoái và căng thẳng địa chính trị đang diễn ra có thể làm tăng sức hấp dẫn của vàng trong năm 2023. Việc Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ có thể tạo thêm nhiều dòng chảy vào vàng.
Biên bản cuộc họp ngày 13-14/12 của Fed dự kiến công bố lúc 19:00 GMT theo giờ địa phương. Fed đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 12/2022 sau bốn lần liên tiếp tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát, song lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Michael Langford, Giám đốc công ty tư vấn doanh nghiệp AirGuide (Mỹ), cho biết trong ngắn hạn vàng có thể leo lên mức 1.880 USD/ounce và giao dịch ở mức trung bình khoảng 1.800 USD/ounce trong hầu hết năm.
Nhà đầu tư cũng theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh tại nước tiêu thụ vàng hàng đầu Trung Quốc sau khi nước này bất ngờ đảo ngược chính sách COVID hồi đầu tháng 12/2022.
Theo ông Langford, nếu điều kiện kinh tế tại Trung Quốc cải thiện trong 6 tháng tới, điều đó sẽ là thông tin tích cực cho hoạt động mua xe và kim loại quý như bạch kim và palladium.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,6% lên 24,13 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 1,1% lên 1.095,25 USD/ounce, còn giá palladium tăng 1,9% lên 1.742,13 USD/ounce.
Khoảng 15 giờ 19 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,5 - 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).