Giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.325,26 USD/ounce vào lúc 9 giờ 1 phút (theo giờ Việt Nam). Kim loại quý này đã chạm mức kỷ lục 2.330,50 USD/ounce phiên ngày 5/4.
Trước đó đầu phiên, vàng đã có lúc giảm tới 1,2% do áp lực từ lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng. Diễn biến này xảy ra sau khi báo cáo việc làm tháng Ba của Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong gần một năm. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng giảm xuống 3,8%.
Những con số đó ủng hộ lập luận rằng Fed sẽ không vội nới lỏng chính sách tiền tệ. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất cao sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, vàng vẫn được hỗ trợ trên mức 2.300 USD/ounce sau nhiều tuần có động lực tích cực. Diễn biến này đã khiến một số nhà quan sát bối rối vì không có bất kỳ yếu tố rõ ràng nào thúc đẩy đợt tăng giá bất ngờ vốn bắt đầu từ giữa tháng 2.
Vàng đã tăng hơn 17% kể từ giai đoạn đó. Một phần mức tăng đến từ tâm lý lạc quan rằng Fed đang tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất. Một phần khác là nhu cầu mua vàng cao của các ngân hàng trung ương lớn, trong đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) báo cáo đã mua bổ sung vàng tháng thứ 17 liên tiếp trong tháng 3/2024.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ dự kiến được công bố vào thứ Tư (10/4 theo giờ địa phương). Số liệu này có thể giúp sáng tỏ hơn quan điểm của các nhà hoạch định chính sách trong việc giảm chi phí đi vay.
Tại Việt Nam, vào lúc 10 giờ 20 phút sáng 8/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 79,70 - 81,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).