Cụ thể, thời điểm 8 giờ 57 phút, tại thị trường Hà Nội, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,4 - 75,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, Tập đoàn Vàng Bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,4 - 75,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Còn Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,4 - 75,42 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Trước đó, trên thị trường thế giới giá vàng hầu như không thay đổi trong phiên 20/12, khi giới giao dịch chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế vào cuối tuần có thể đưa ra manh mối mới về lộ trình chính sách tiền tệ của Mỹ.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.035,59 USD/ounce trong khi giá vàng tương lai của Mỹ giảm 0,2% xuống 2.048,80 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này tăng và khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi một loạt số liệu kinh tế của Mỹ trong tuần này, bao gồm báo cáo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tháng 11 - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - sẽ được công bố vào ngày 22/12.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures nhận định giá vàng sẽ ổn định trên ngưỡng 2.000 USD/ounce. Kim loại quý này sẽ được giao dịch ở mức cao hơn khi xem xét rủi ro địa chính trị trên thị trường, bao gồm cả cuộc bầu cử ở Mỹ vào năm tới. Điều này có thể thúc đẩy các nhà quản lý tiền tệ tăng cường mua vàng trong danh mục đầu tư của họ.