Ghi nhận tại các hộ dân nhận khoán đất rừng ngập mặn của huyện Ngọc Hiển cho thấy, dù đã bước vào mùa khai thác rừng nhưng giá gỗ sụt giảm mạnh. Những năm trước, bình quân 1 ha rừng đước, các hộ dân khai thác được 400 m3 gỗ, thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Giá bán thường là 1 triệu đồng/m3, có lúc tăng lên 1,2 triệu đồng/m3. Nhưng năm nay, các nhà thầu chỉ thu mua ở mức từ 400.000 - 500.000 đồng/m3.
Ông Tô Văn Dưng, ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển cho biết, rừng của gia đình đã trồng gần 20 năm mới khai thác nhưng lại đúng vào năm giá rớt thê thảm. Với người dân nơi đây, trồng rừng đước là cơ hội để thay đổi cuộc sống. Bởi khi thu hoạch, người dân mới có tiền xây, sửa nhà đàng hoàng, rồi lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn... Còn với mức giá hiện nay thì mọi dự định đều dở dang.
Gỗ đước được huyện Ngọc Hiển cơ cấu trở thành ngành hàng chủ lực của địa phương, là một trong những đột phá để nâng cao cuộc sống người dân. Song, thực tế hiện nay, người bán phải chạy tìm người mua; người thu gom không xuất bán được nên chỉ thu mua ở mức cầm chừng để tạo việc làm cho nhân công lao động.
Ông Lâm Toàn, ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển cho biết, giá rừng đước giảm, trong khi đó thầu không chịu mua. Nhưng ngặt nỗi, hết thời gian khai thác thì họ sẽ mất lượt và phải đợi 3-4 năm sau. Phần lớn, nhà thầu thu mua cây rừng vẫn phải qua đấu giá do các ban quản lý rừng tổ chức, ai trúng thầu mới được thu mua. Nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến giá gỗ đước sụt giảm, nhiều nhà thầu khi đã trúng thầu nhưng lấy lý do dịch bệnh để ép giá người người dân. Thế nhưng, dù chấp nhận giá thấp để được khai thác nhưng hơn một tháng qua, một số hộ dân trồng rừng đước ở ấp Kinh Ráng, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển vẫn chưa tìm được nhà thầu để thu mua.
Ông Văn Công Tỏ, ấp Kinh Ráng, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển chia sẻ, cũng có vài nhà thầu đến xem rừng nhưng không chịu thu mua. Họ nói, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc xuất khẩu than đước gặp nhiều khó khăn nên giá cây đước giảm. Nếu không khai thác, mật độ rừng che phủ quá dày lại sẽ ảnh hưởng đến tôm nuôi, đời sống người dân cũng vì thế mà khó khăn hơn.
Để phần nào tháo gỡ khó khăn cho người dân, ông Tạ Minh Mẫn, Phó trưởng Ban Quản lý rừng Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển cho biết đã tổ chức họp dân để công khai cho bà con lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, Ban cũng mời gọi nhiều nhà thầu để đàm phán giá giúp bà con nhưng ngưỡng giá thu mua vẫn ở mức rất thấp.
Khó khăn không chỉ là nỗi lo riêng của người dân trồng rừng đước ở huyện Ngọc Hiển mà tại huyện U Minh giá cây tràm cũng lao dốc, thậm chí không ai mua khiến dân điêu đứng.
Hơn 2 ha rừng tràm thâm canh đã tới lứa thu hoạch nhưng ông Nguyễn Minh Mẫn ngụ ấp 13, xã Nguyễn Phích huyện U Minh vẫn tìm không được ai thu mua. Dù mỗi ha rừng tràm được ông phát giá chỉ 48 triệu đồng, mức giá thấp hơn 1/3 lần so với những năm trước.
Không chỉ riêng gia đình ông Mẫn, toàn ấp 13 hiện còn khoảng 20 hộ có tràm chưa bán được. Dù phương án khai thác giữa các hộ dân và công ty đã hoàn tất nhưng đều lâm vào hoàn cảnh chung là không có người mua.
Ông Lý Hồng Duẩn, Cán bộ phụ trách Nông – Lâm – Ngư, UBND xã Nguyễn Phích, huyện U Minh cho biết, tình hình tiêu thụ tràm rất khó khăn. Hiện giá tràm tại các bãi kinh doanh cừ tràm U Minh chỉ ở mức 2/3 so với các năm trước. Tràm thâm canh đã khó bán thì tràm quảng canh còn thê thảm hơn, hiện giá chỉ bằng một nửa so với tràm thâm canh. Theo ông Phạm Thành Tài, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, giá năm trước khoảng trên 40.000 đồng/cây cừ tràm thì giờ cao nhất cũng khoảng 32.000 - 33.000 đồng.
Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ cho hay, hiện có khoảng 2.000 ha diện tích tràm quảng canh không tiêu thụ được. Nhiều khách hàng phản ánh, chi phí khai thác giữa tràm thâm canh và quảng canh bằng nhau nhưng sản lượng tràm thâm canh lại cho gấp đôi. Bên cạnh đó, diện tích trồng tràm bản địa quá lớn khiến cho nguồn cung vượt cầu. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến cho các hoạt động xây dựng bị đình trệ, nên lượng cừ tràm bị ùn ứ.
Hiện trên lâm phần của công ty vẫn còn khoảng 20.000 ha rừng tràm bản địa trồng theo phương thức quảng canh. Theo các chuyên gia, phương thức trồng tràm quảng canh đã lạc hậu, không chỉ vì tràm chậm phát triển trong khi chu kỳ khai thác kéo dài gấp đôi so với phương thức trồng thâm canh mà sản phẩm gỗ tràm còn xấu, khó tiêu thụ, đó là chưa kể đến sản lượng gỗ trên một đơn vị diện tích chỉ bằng 1/3 so với phương thức trồng thâm canh. Trong khi đó, chi phí khai thác lại ngang bằng so với trồng thâm canh nên lợi nhuận từ trồng rừng tràm quảng canh rất thấp.
Hiện diện tích trồng tràm vẫn rất lớn, chủ yếu của người dân nhận khoán đất rừng. Do đó, công ty đã khuyến cáo người dân về lâu dài nên ưu tiên trồng keo lai, hoặc trồng tràm Australia thâm canh. Bởi khi nguồn cung giảm sẽ kéo tràm lên giá, nguồn cung keo lai cũng vì thế mà ổn định hơn, từ đó ngành công nghiệp chế biến gỗ cũng phát triển. Thời gian qua, công ty đã tích cực hỗ trợ cho người dân không chỉ về kỹ thuật trồng, chăm sóc mà còn tìm nhiều kênh giúp người dân tiêu thụ, hướng đến việc phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên tăng cường trồng cây keo lai để đạt tỷ lệ diện tích 50-50 so với cây tràm. Việc này không chỉ khiến cho nguồn cung ra thị trường được đồng đều mà còn đảm bảo tỷ lệ về mặt diện tích, nâng cao được giá trị cả cây keo lai lẫn cây tràm.
Giải pháp đã được Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp U Minh Hạ áp dụng là từ năm 2013 đã vận động các hộ nhận khoán rừng lên liếp trồng rừng thâm canh với loại cây tràm Australia. Phương thức trồng này vừa rút ngắn được chu kỳ kinh doanh khi chỉ khoảng 4-5 năm là cho thu hoạch nhưng sản lượng lại tăng gấp 3-4 lần.
Riêng công ty hiện quản lý khoảng 16.000 ha rừng trồng; trong đó, cây tràm chiếm hơn 10.000 ha, còn lại là cây keo lai. Thực tế những năm qua, cây keo lai luôn có đầu ra dễ dàng hơn cây tràm vì nhu cầu thị trường luôn ở mức cao hơn. Hiện nay, dù giá keo lai giảm hơn so với năm 2020 từ 10-15% nhưng kênh giao thương tiêu thụ vẫn tốt.